Quảng Ngãi: Làng biển nô nức lễ hội đầu năm

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những ngày đầu năm mới, ngư dân làng chài ở Quảng Ngãi nô nức tổ chức các lễ hội với mong ước một năm mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang.

Người dân tham gia lễ hội đua thuyền.
Sáng 28/1 (mùng 4 Tết), ngư dân xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) nô nức tổ chức lễ hội đua thuyền đầu năm.
Đua thuyền vào ngày mùng 4 Tết Nguyên đán là lễ hội truyền thống được người dân làng chài Tịnh Kỳ duy trì suốt mấy mươi năm qua.
Các thuyền đua tuy đóng mới, nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc, cách trang trí truyền thống, vẫn mô phỏng theo hình tượng tứ linh (long - lân - quy - phụng). Để chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền Tết Canh Tý 2020, người dân các thôn của Tịnh Kỳ và cả những người con của Tịnh Kỳ đi làm ăn xa đều đồng lòng đóng góp kinh phí cho các đội đua đóng thuyền.
Chiếc thuyền đua do người dân đóng góp kinh phí thực hiện.
Đối với người dân biển, lễ hội đua thuyền không chỉ là hoạt động khai xuân truyền thống mang tính cộng đồng, mà thông qua nó, người dân còn gửi gắm những mong muốn về một năm mưa thuận gió hòa, mùa biển cũng như nông nghiệp được bội thu.
Cũng trong sáng mùng 4 Tết, tại làng chài Đức Lợi (Mộ Đức) đã diễn ra lễ ra quân đánh bắt hải sản đầu năm thu hút sự tham gia của hàng nghìn người dân.
Lễ hội  ra quân đánh bắt hải sản đầu năm ở Đức Lợi.
Trước đó, vào ngày 27/1 (mùng 3 Tết), xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ) cũng đã tổ chức lễ hội ra quân đánh bắt hải sản đầu năm. Đây là nghi lễ truyền thống được duy trì hàng trăm năm nay của ngư dân cầu mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang.
Một nghi thức trong lễ ra quân ở Phổ Thạnh.
Sau các nghi thức cúng tế của các bô lão trong làng, lễ hội cầu ngư không thể thiếu các tiết mục hát sắc bùa, chèo bả trạo, nghi lễ mang đậm yếu tố tâm linh của cư dân ven biển nói chung và ngư dân Sa Huỳnh nói riêng. 
Một tiết mục văn nghệ mang ý nghĩa tâm linh đặc sắc của cư dân làng biển.
Bước sang năm mới, các ngư dân phấn khởi hy vọng một năm bội thu tôm cá đầy khoang. Ngư dân Nguyễn Đậu chia sẻ: “Quanh năm gắn bó với biển, cả đời nối nghiệp cha ông, vì thế lễ hội cầu ngư là dịp để ngư dân thể hiện sự thành kính của mình đối với mẹ biển. Cầu một năm mưa thuận, gió hòa, biển yên bình cho ngư dân yên tâm đánh bắt, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc”.
Các tàu cá đồng loạt tiến ra biển.
Sau các nghi lễ, hồi trống lệnh xuất quân vang lên, những con tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Sa Huỳnh được tiếp đầy nhiên liệu, đá lạnh cùng ngư cụ hiện đại giương cao cờ đỏ sao vàng, đồng loạt tiến ra khơi, bắt đầu cho mùa đánh bắt mới tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc.