Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: “Mỗi giọt nước là mỗi giọt vàng đối với người dân huyện đảo”

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Một trong những giải pháp trước mắt để ứng phó với tình trạng thiếu nước của huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) là phải nâng cao ý thức cho người dân, sử dụng nước tiết kiệm với phương châm “Mỗi giọt nước là mỗi giọt vàng đối với người dân huyện đảo”.

 Nước ngọt chỉ đáp ứng được 30%

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu khắc nghiệt, nắng hạn diễn ra thường xuyên và ngày càng gay gắt nên nguồn nước ngọt trên đảo Lý Sơn luôn bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Hiện trên địa bàn huyện Lý Sơn có 1 hồ chứa nước (hồ Thới Lới), 2 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung và 2.149 giếng nước.

Hồ chứa nước Thới Lới.
Hồ chứa nước Thới Lới.

Trong đó, hồ chứa nước Thới Lới được xây dựng, khai thác vận hành từ năm 2012, dung tích toàn bộ hồ chứa nước là 271.480 m3. Nhiệm vụ công trình là cấp nước tưới cho 60 ha tỏi vụ Đông Xuân, cấp nước sinh hoạt cho 1.000 người và 300 tàu thuyền đánh bắt hải sản. Thực tế, hồ phải tưới cho 120 ha đất sản xuất nông nghiệp và bổ sung nguồn nước ngầm phục vụ dân sinh.

Qua nhiều năm khai thác sử dụng, hồ chứa nước Thới Lới phát huy tốt hiệu quả công trình, đáp ứng được một phần nhu cầu dùng nước trên địa bàn huyện. Nhưng hiện hồ Thới Lới đang bị bồi lắng khiến năng lực cấp nước giảm dần.

Hồ chứa nước Thới Lới đang bị bồi lắng.
Hồ chứa nước Thới Lới đang bị bồi lắng.

UBND huyện Lý Sơn đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Ngãi quan tâm bố trí nguồn kinh phí thực hiện sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Thới Lới, trên cơ sở hiện trạng nền móng thân đập hiện hữu và nạo vét cải tạo thêm lòng hồ để tăng thêm diện tích trữ nước phục vụ cho nhu cầu tưới tiêu, sinh hoạt và dịch vụ du lịch của huyện đảo, không tác động đến diện mạo địa chất.

Về công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung, huyện Lý Sơn hiện có hệ thống cấp nước Trung tâm huyện được đầu tư xây dựng năm 2016. Theo thiết kế, công trình có công suất 1.000 m3/ngày đêm, cấp nước cho 1.700 hộ dân; thực tế công suất 147 m3/ngày đêm, cấp nước cho 600 hộ dân.

Ngoài ra còn có Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt tại đảo bé An Bình được đầu tư xây dựng năm 2012, công suất theo thiết kế 200 m3/ngày đêm; thực tế hoạt động đạt 47% công suất thiết kế, cấp nước cho 98 hộ dân.

Đối với 2.149 giếng nước (939 giếng đào, 1.088 giếng khoan thủ công và 122 giếng khoan máy) có tổng lượng nước khai thác, sử dụng khoảng 21.779 m3/ngày đêm.

Theo tính toán, các công trình cấp nước trên đảo chỉ đáp ứng khoảng 30% so với nhu cầu sử dụng nước của người dân huyện Lý Sơn.

Giải pháp trước mắt và lâu dài

Liên quan đến giải pháp cấp nước cho huyện Lý Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho rằng, trước mắt phải tổ chức xây dựng và triển khai kế hoạch sử dụng nước hết sức tiết kiệm, tránh lãng phí nước do công tác quản lý, vận hành gây nên.

Huyện đảo Lý Sơn nhìn từ trên cao.
Huyện đảo Lý Sơn nhìn từ trên cao.

Trong đó, đặc biệt lưu ý việc quản lý tưới cho sản xuất nông nghiệp từ công trình hồ chứa nước Thới Lới, phải hết sức tiết kiệm thông qua hình thức tưới phun mưa, nhỏ giọt… (tránh sử dụng hình thức tưới ống chảy tràn trên mặt) để dành nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đề nghị các hội đoàn thể, các tổ chức chính trị của huyện tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm với phương châm “Mỗi giọt nước là mỗi giọt vàng đối với người dân huyện đảo”.

Đồng thời, khuyến khích các nhóm hộ dân có điều kiện về kinh tế liên kết lại để đầu tư thêm các bể trữ nước mưa (dạng bạt không thấm, có quy mô chứa từ 10-50 m3) dùng cho sinh hoạt, góp phần hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm trong quá trình sử dụng nước.

Đẩy nhanh tiến độ thi công dự án Hệ thống trữ nước sinh hoạt, kết hợp tưới tiết kiệm cho nông nghiệp đảo Lý Sơn (do UBND huyện làm chủ đầu tư), sớm đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2025 để bổ sung nguồn nước cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho người dân.

Về giải pháp lâu dài, theo Giám đốc Sở NN&PTNT, qua tính toán sơ bộ cân bằng nước mặt của huyện Lý Sơn, với hơn 10km2 diện tích lưu vực thì trữ lượng nước mặt (từ nước mưa tự nhiên) vào khoảng 9 triệu m3, sau khi trừ đi lượng bốc hơi, thấm…, lượng nước chảy tràn trên bề mặt đảo còn lại vào khoảng 3 triệu m3 .

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước cho khoảng 70% hộ gia đình và phần diện tích sản xuất nông nghiệp còn lại (200 ha) cần khoảng hơn 1 triệu m3.

Nhu cầu sử dụng nước cho khoảng 70% hộ gia đình và phần diện tích sản xuất nông nghiệp còn lại (200 ha) cần khoảng hơn 1 triệu m3.
Nhu cầu sử dụng nước cho khoảng 70% hộ gia đình và phần diện tích sản xuất nông nghiệp còn lại (200 ha) cần khoảng hơn 1 triệu m3.

Vì vậy, Sở đã chủ động đề xuất vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn 2026-2030 dự án “Hệ thống thu gom nước mặt và bể trữ nước tập trung, huyện đảo Lý Sơn”, quy mô trữ 1 triệu m3 với kinh phí 250 tỷ đồng, phục vụ cấp nước lâu dài, ổn định cho huyện đảo. 

Đối với công trình hồ chứa nước Thới Lới, dự án đã có trong danh mục công trình cần nâng cấp, sửa chữa đến năm 2030 của Phương án phát triển kết cấu hạ tầng thủy lợi gắn với phòng chống thiên tai tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

UBND tỉnh giao cho UBND huyện Lý Sơn lập báo cáo đề xuất dự án sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Thới Lới gửi Sở NN&PTNT xem xét, tham mưu UBND tỉnh.

“Sau khi có đề xuất của UBND huyện Lý Sơn, Sở sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND huyện Lý Sơn, tổ chức kiểm tra, đánh giá kỹ hiện trạng chất lượng công trình, tham vấn ý kiến của chuyên gia địa chất về hệ địa chất hồ Thới Lới để thống nhất trình cấp thẩm quyền xem xét, cho chủ trương đầu tư sửa chữa, nâng cấp công trình”- ông Hồ Trọng Phương cho hay.