Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: Ngành sản xuất, chế biến hải sản ngưng trệ vì Covid-19

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch bệnh hoành hành đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh của người dân Quảng Ngãi. Trong đó, ngành chế biến hải sản cũng lao đao trước “con sóng dữ” mang tên Covid-19.

Sản xuất gặp khó khăn
Thời điểm này những năm trước, cơ sở sản xuất của bà Lê Thị Mai (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) đang tấp nập việc thu mua, vận chuyển nguyên liệu để chế biến hải sản khô là mực, bạch tuộc, với sản lượng từ 5 - 10 tấn mỗi ngày. Ngoài tiêu thụ nội địa, hải sản chế biến khô ở đây còn xuất đi nước ngoài. Còn bây giờ, bà Mai lại héo cả ruột gan hoạt động kinh doanh bị “đóng băng” 3 tháng nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cơ sở sản xuất của bà Mai trước khi có dịch Covid-19.
“Phường Phổ Thạnh là tâm dịch, bị phong tỏa, chính vì vậy không có nguyên liệu cũng như lao động để sản xuất. Hiện giờ vẫn còn tồn 2 kho mực khô, vì dịch Covid-19 nên không thể xuất sang thị trường Trung Quốc” - bà Lê Thị Mai cho biết.
Mới đây, phường Phổ Thạnh đã “gỡ” phong tỏa cứng, chuyển sang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 nhưng bà Mai vẫn loay hoay, chưa biết xoay sở thế với số mực tồn kho cũng như hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Không lâm vào cảnh “đóng băng” như bà Mai, cơ sở chế biến mực khô, mực tẩm gia vị của bà Nguyễn Thị Loan ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn lại phải sản xuất cầm chừng vì hiện đầu ra rất chậm. Bình quân mỗi năm, bà Loan bán ra thị trường gần 20 tấn sản phẩm, chủ yếu vào dịp Tết cho công nhân các nhà máy tại Khu Kinh tế Dung Quất mang về nhà làm quà biếu và gửi vào TP Hồ Chí Minh theo đơn đặt hàng. Năm nay ảnh hưởng dịch Covid-19, nhu cầu của thị trường giảm mạnh nên hàng hóa tiêu thụ khó khăn hơn.
“Mặc dù đầu ra không ổn định, bán chậm nhưng vẫn thu mua, vừa duy trì sản xuất, vừa giữ mối quan hệ với các chủ tàu thường cung cấp mực cho mình” - bà Nguyễn Thị Loan nói.
Khan hiếm nguyên liệu
Từ đầu năm đến nay, thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cộng với sản lượng đánh bắt cá cơm giảm so với mọi năm, nên nguyên liệu đầu vào cho nghề làm mắm truyền thống tại Quảng Ngãi vừa thiếu, vừa tăng giá so với mọi năm. 
 Nghề sản xuất nước mắm ở xã Đức Lợi có nguyên liệu đầu vào là cá cơm.
Làng nghề sản xuất nước mắm xã Đức Lợi (huyện Mộ Đức) là nơi cung ứng ra thị trường khoảng 3 triệu lít mắm mỗi năm. Thế nhưng, từ đầu năm 2021 đến nay, hoạt động sản xuất của người dân bị ảnh hưởng do nguồn nguyên liệu đầu vào là cá cơm bị thiếu nghiêm trọng.
Đã sắp bước sang mùa biển động, nhưng cơ sở sản xuất nước mắm Phương Loan của bà Nguyễn Thị Lệ Phương mới thu mua được lượng cá cơm chỉ bằng 50% so với các năm trước. “Vì không mua được cá cơm tại tàu của ngư dân cập về cửa Lở, chúng tôi chấp nhận mua qua thương lái với giá cao hơn, nhưng cũng không có hàng để mua” - bà Phương chia sẻ.
Được mệnh danh là “thủ phủ” của nghề chế biến cá hấp tại Quảng Ngãi, nhưng thời gian qua, gần 20 cơ sở hấp cá tại xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) đành sản xuất cầm chừng, vì không đủ nguyên liệu đầu vào.
Chị Nguyễn Thị Khiết - Chủ một cơ sở chế biến hải sản khô tại xã Tịnh Kỳ buồn rầu: “Những năm trước, vào mùa này, lò hấp cá của chúng tôi lúc nào cũng đỏ lửa, nhân công làm việc không ngơi tay, lượng cá làm ra có lúc lên đến 5 - 7 tấn/ngày. Còn năm nay, số lượng cá nục, cá cơm mà cơ sở mua được chỉ có thể tính bằng tạ/ngày. Thậm chí có tháng, chúng tôi phải chờ từ 7 - 10 ngày mới nhập được nguyên liệu để làm”.
Tháng Giêng đến tháng 8 âm lịch hàng năm là khoảng thời gian rộn ràng nhất tại các làng nghề sản xuất nước mắm, chế biến hải sản truyền thống. Nhưng năm nay, người làm nghề này lại lo lắng, buồn rầu vì phải sản xuất cầm chừng và thị trường tiêu thụ bấp bênh.
 Hoạt động thu mua hải sản tại cảng Tịnh Kỳ.
“Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến đầu ra sản phẩm không ổn định, việc tìm bạn đi biển trong những ngày dịch bệnh càng khó khăn. Thêm vào đó, sản lượng hải sản như cá cơm, cá nục vùng lộng năm nay sụt giảm hẳn so với mọi năm, nên nguồn nguyên liệu cho nghề chế biến cá hấp, làm mắm đã sụt giảm hẳn so với trước đây” - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Tịnh Kỳ Phan Hữu Nhất cho biết.