Cảng neo đậu Tịnh Hòa (TP Quảng Ngãi) những ngày tháng 6/2022 khá ảm đảm. Ngư dân Lê Thắng Khiến (thôn Tân Mỹ, xã Nghĩa An) làm nghề lưới rê, đánh bắt cá chuồn vừa cập cảng sau 20 ngày ra khơi, nét mặt kém vui vì kết quả chuyến biển này cũng không khá hơn đợt trước.
“Chuyến này chỉ thu được hơn 2 tấn cá chuồn, bán được gần 50 triệu đồng, nhưng chi phí cho chuyến biển đến 80 triệu đồng. May mà có tiền hỗ trợ, mới đủ để chia cho bạn thuyền, không thì cũng không biết làm thế nào...”, ông Khiến nói.
Từ đầu năm 2022 đến nay, ông Khiến chỉ mới đi 2 chuyến biển, nhưng chuyến nào cũng lỗ do sản lượng đánh bắt đạt thấp, mà giá xăng dầu lại tăng chóng mặt, không thấy giảm.
“Thường các chỗ kinh doanh xăng dầu cho ứng trước dầu, rồi trả sau khi kết thúc chuyến biển. Nhưng nay giá dầu tăng cao, chi phí vận chuyển cũng tăng, nên họ buộc chủ tàu phải trả trước, không cho ứng nữa. Khó càng thêm khó”, ông Khiến chia sẻ.
Trong khi đó, sau nhiều chuyến biển thua lỗ, ông Đặng Thanh Hùng (xã Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi) đã cho tàu nằm bờ khoảng 1 tháng nay. Chuyến biển đầu năm, tàu của ông Hùng đánh bắt hải sản tại vùng biển Trường Sa, sau hơn một tháng, tiêu thụ hết 6.000 lít dầu, thu về được 350 triệu đồng. Trừ chi phí hơn 250 triệu đồng, số tiền còn lại chỉ đủ chia cho 9 bạn thuyền...
“2 chuyến kế tiếp thu không đủ chi, nên đành nghỉ một thời gian, chờ thời tiết thuận lợi và giá dầu hạ nhiệt mới đi lại. Giờ giá dầu diesel đã hơn 26 nghìn đồng/lít, gấp đôi năm 2021, trong khi sản lượng đánh bắt đạt thấp, ra khơi là cầm chắc thua lỗ”, ông Hùng buồn bã.
Thời điểm này, tại một số khu neo đậu, cảng cá trong tỉnh Quảng Ngãi, số lượng tàu "nằm bờ" khá nhiều, vì tiền bán hải sản không đủ chi phí cho chuyến biển mới. Riêng tại cảng neo đậu Tịnh Hòa (TP Quảng Ngãi), hiện có hơn 100 tàu nằm bờ, ít thì trên chục ngày, nhiều thì đôi ba tháng, chủ yếu là tàu hành nghề lưới rê, lưới kéo của ngư dân các xã Nghĩa An, Tịnh Kỳ, Nghĩa Phú (TP Quảng Ngãi).
Xăng dầu tăng cao cũng gây áp lực cho nghề câu mực xà, bởi đây là nghề đánh bắt xa bờ, với mỗi chuyến biển kéo dài từ 2,5 - 3 tháng. Do đó, chi phí mỗi chuyến biển cũng cao hơn rất nhiều so với những nghề khác. Xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn) là nơi có số lượng tàu làm nghề câu mực xà nhiều nhất tỉnh, với 60 tàu và hơn 2.000 lao động tham gia đánh bắt.
Ông Nguyễn Hữu Ngọt - Giám đốc Hợp tác xã đánh bắt xa bờ và dịch vụ thủy sản Bình Chánh cho biết, những năm trước, chi phí tàu câu mực xà chỉ dao động từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/chuyến. Nhưng nay để có thể ra khơi, mỗi tàu phải bỏ ra số tiền 1,5 - 1,7 tỷ đồng/chuyến. Trong khi đó, sản lượng mực năm nay lại giảm một nửa so với năm trước, khiến mỗi chuyến ra khơi của ngư dân càng thêm khó khăn.
“Dù sản lượng thấp, nhưng giá mực xà lại đang khá cao, 180 - 190 nghìn đồng/kg, trong khi năm 2021 là 140 nghìn đồng/kg, bởi vậy nên các tàu câu mực xà vẫn đang nỗ lực bám biển. Mong các cấp, các ngành có hướng hỗ trợ để giúp ngư dân giảm bớt khó khăn”, ông Ngọt bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Văn Mười - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời tiết bất lợi, nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm sút, giá bán thủy sản bấp bênh, cộng với giá xăng dầu liên tục tăng cao... nên có nhiều tàu thuyền của ngư dân phải tạm thời nằm bờ.
Hiện đơn vị này đang tiến hành đánh giá sự ảnh hưởng của giá xăng dầu đối với ngư dân theo chỉ đạo của UBND tỉnh, từ đó tham mưu, đề xuất Chính phủ có hướng điều chỉnh giá xăng dầu cho phù hợp, giúp ngư dân yên tâm bám biển, phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.