Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: Người Cadong trồng cây ăn quả theo chuẩn VietGap

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Thay đổi lối canh tác truyền thống, ít mang lại hiệu quả kinh tế, người Cadong ở huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi đang có hướng đi mới trong việc chuyển đổi cây trồng cũng như quy trình chăm sóc, phù hợp với xu thế hiện nay.

Phá bỏ keo để trồng cây ăn quả
Gần 2 năm trước, ông Đinh Văn Vân- người đồng bào Cadong (ngụ xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây) bỏ trồng keo để chuyển sang trồng 2ha bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGap. Sau khi dọn dẹp sạch, cải tạo đất, ông Vân lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt để đỡ tốn công chăm sóc.
 Vườn bưởi da xanh trồng xen canh ổi lê, ổi nữ hoàng của ông Đinh Văn Vân.
“Tính đến nay đã trồng được 1 năm rưỡi rồi, cây bưởi khá phù hợp với đất và khí hậu nơi đây nên lớn nhanh, ít bị sâu bệnh. Trung bình 1ha trồng 350 cây bưởi da xanh. Khi có vấn đề thắc mắc lại gọi điện thoại hỏi các anh kỹ thuật để được hướng dẫn. Bưởi mình trồng theo chuẩn VietGap nên đâu thể tùy ý sử dụng thuốc được, có nhật ký ghi chép kỹ lắm”, ông Vân cho biết.
Trước đó, ông Vân đã được tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn quả để hiểu rõ đặc tính của các cây trồng, cách chăm cây tỉa cành, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh, kích thích ra hoa, thụ phấn bổ sung, bao bọc bưởi.
Trong thời gian cây bưởi phát triển, ông Vân được khuyến khích trồng xen canh ổi lê, ổi nữ hoàng để “lấy ngắn nuôi dài”. Cứ 1 ha trồng 350 cây bưởi, ông lại trồng 200 cây ổi. Sau 6 tháng là cây đã bắt đầu ra hoa, đậu quả. Mỗi cây ổi cho thu hoạch bình quân mỗi lứa khoảng 20kg. Khi cây bưởi ra trái và khép tán thì tiến hành chặt bỏ cây ổi. Điều đặc biệt, trồng cây ổi xen canh bưởi sẽ dẫn dụ các côn trùng gây hại từ cây bưởi qua cây ổi, hạn chế được sâu bệnh và tránh tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. 
 Ổi nữ hoàng đã cho quả và được hợp tác xã Sơn Liên bao tiêu.
“Toàn bộ ổi thu hoạch được, hợp tác xã Sơn Liên thu mua với giá tại vườn là 16.000 đồng/kg. Trong thời gian chờ bưởi lớn thì mình có thu hoạch từ cây ổi, kể ra vẫn nhanh có lợi và lợi nhiều hơn trồng keo”, ông Vân chia sẻ.
Ngoài bưởi da xanh, tại xã Sơn Liên, người đồng bào Cadong còn trồng chuối mốc (còn gọi là chuối sứ) theo tiêu chuẩn VietGap. Hiện các vườn chuối mốc trưởng nhanh và đã mang lại hiệu quả bước đầu.
  Vườn chuối mốc của ông Đinh Văn Trị.
Trước đây, ông Đinh Văn Trị (thôn Nước Vương, xã Sơn Liên) cũng trồng giống chuối này nhưng ít chăm sóc, chuối ra ít nải, quả nhỏ nên bán rất rẻ. Sau khi được tập huấn kỹ thuật và cấp cây giống, ông đã mạnh dạn đổi từ trồng lúa rẫy sang trồng chuối trên diện tích khoảng 1,5ha.
“Chuối bị ảnh hưởng nhiều bởi đợt bão số 9 năm ngoái, nhưng bù lại chuối con rất đạt và đắt hàng. Bây giờ chuối đã sinh trưởng ổn định và có quả, tính ra có lời gấp 2,3 lần so với làm lúa”, ông Trị vui mừng.
Mô hình nhiều triển vọng
Sơn Tây là huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi với 94% dân số là người đồng bào dân tộc Cadong, việc canh tác trên đất dốc theo hình thức quảng canh còn khá phổ biến, làm thoái hóa đất và ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái. Diện tích đất chưa sử dụng còn lớn song lại tập trung chủ yếu ở các vùng có giao thông không thuận lợi, thiếu nguồn nước, gây khó khăn cho canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, huyện Sơn Tây cũng có những thuận lợi nhất định với khí hậu khá mát mẻ, phù hợp để phát triển các loại cây ăn quả.
 Cán bộ kỹ thuật (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn kỹ thuật cho ông Đinh Văn Vân.
Để tận dụng điều kiện thuận lợi này, huyện đã triển khai Dự án “Ứng dụng kĩ thuật mới trong sản xuất bưởi da xanh và chuối mốc theo hướng hàng hóa tại huyện miền núi Sơn Tây”. Từ đó, xây dựng mô hình thâm canh cây bưởi da xanh và chuối mốc đạt tiêu chuẩn Vietgap tại 2 xã Sơn Bua và Sơn Liên với diện tích trồng bưởi da xanh là 10 ha, diện tích trồng chuối mốc là 5ha. 
Lâu nay, người đồng bào Cadong nơi đây chủ yếu trồng cây keo, cây mỳ, lúa rẫy... nhưng không mang hiệu quả kinh tế. Để vận chuyển từ nơi khai thác đến nơi tiêu thụ tốn rất nhiều công khai thác, phí vận chuyển cao, đầu ra bấp bênh.
“Giai đoạn đầu thực hiện dự án, người dân ở đây rất băn khoăn, lúng túng. Họ quen với cách trồng truyền thống, không chăm sóc, không theo quy trình kỹ thuật, do đó chất lượng quả không tốt, cây sâu bệnh nhiều. Từ lúc được tham gia các lớp tập huấn, được "cầm tay chỉ việc", họ tiến bộ hơn, cây trồng nhờ đó có tốc độ sinh trưởng tốt, sâu bệnh hạn chế”, ông Đinh Công Lập - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây cho biết.
Theo ông Lập, mục tiêu của dự án là xây dựng thành công các mô hình bưởi da xanh và cây chuối mốc đạt tiêu chuẩn VietGap trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong canh tác, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở huyện Sơn Tây. Năng suất bưởi đạt 2-3 tấn/ha/năm ở giai đoạn bắt đầu cho quả và 8 tấn/ha ở giai đoạn kinh doanh; chuối mốc đạt 35 tấn/ha/năm; chế biến chuối sấy dẻo công suất 200 kg chuối nguyên liệu/ngày đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
 Ông Hồ Ngọc Thanh - Trưởng Phòng Khoa học công nghệ và cơ sở, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi
Ông Hồ Ngọc Thanh - Trưởng Phòng Khoa học công nghệ và cơ sở, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Qua một năm rưỡi, cây chuối mốc sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với điều kiện ở huyện miền núi Sơn Tây, bước đầu cho kết quả rất khả quan. Đối với bưởi da xanh, dù đã được người dân trồng rải rác trước đây nhưng bây giờ trồng theo tiêu chuẩn VietGap thì từ cây giống, cây mắc ghép, cây đầu dòng đều có nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, áp dụng quy trình trồng, chăm sóc, bón phân, tưới nước nhỏ giọt, phòng trừ dịch hại tổng hợp nên sinh trưởng ổn định, dự kiến sau 3 năm sẽ có quả bói”.