Từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng để hỏa táng
Cách đây không lâu, ông P.T. (tổ dân phố Vạn Mỹ) không may qua đời. Gia cảnh khó khăn nhưng nghĩa địa lại kín chỗ, người nhà ông T. phải nhờ đến sự hỗ trợ của bà con, hàng xóm để góp tiền đưa ra TP Đà Nẵng hỏa táng. Mức chi phí ở mức thấp nhất khoảng hơn 10 triệu đồng.
Đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp ở tổ dân phố Vạn Mỹ phải đưa người quá cố vượt chặng đường xa đi hỏa táng trong thời gian qua vì “bí” chỗ chôn cất ngay tại địa phương.
“Đưa ra Đà Nẵng để hỏa táng thì tốn chi phí từ 18-20 triệu đồng, ít nhất cũng 12 triệu đồng. Người già ở quanh đây rất lo lắng vì nếu qua đời không có nơi chôn”, bà Đặng Thị Nhung (tổ dân phố Vạn Mỹ) cho biết.
Bức xúc, 64 hộ ở tổ dân phố Vạn Mỹ đồng loạt ký vào đơn kiến nghị để “xin” địa phương bố trí quỹ đất chôn cất người chết. Bởi lẽ, nếu người thân qua đời thì không có đất để an táng vì các khu nghĩa địa tại địa phương đã "đóng cửa", hoặc vi phạm khoảng cách dưới 500m so với khu dân cư.
Theo người dân, những năm qua, để phát triển đô thị, nhiều khu dân cư được xây mới và mở rộng, một số khu nghĩa địa hiện hữu bị thu hẹp, không thể chôn cất như Gò Nhuệ, Gò Kê, Gò Giếng, trong khi đó, chính quyền lại không bố trí hoặc quy hoạch thêm.
Điều này dẫn đến tình trạng khoảng 3-4 năm nay, hàng chục hộ dân tổ dân phố Vạn Mỹ phải mua đất trồng hoa màu của dân ở khu Gò Điển (do xã Nghĩa Hiệp quản lý) để chôn cất người thân. Sau đó, UBND xã Nghĩa Hiệp phát hiện tình trạng trên nên có biện pháp ngăn chặn.
“Cuối năm 2022, chúng tôi lên UBND thị trấn Sông Vệ đề nghị giải quyết và được địa phương chỉ vị trí an táng tại Gò Lang. Tuy nhiên đến tháng 3/2023, trong buổi đối thoại định kỳ với Bí thư Đảng ủy thị trấn Sông Vệ, chúng tôi nhận được trả lời từ chính quyền rằng thị trấn Sông Vệ không còn quỹ đất để quy hoạch nghĩa địa, ngay cả mai táng ở đất Gò Lang cũng không đúng quy định vì đây là đất sản xuất do địa phương quản lý và chưa đưa vào quy hoạch làm nghĩa địa”, ông Lê Thức (tổ dân phố Vạn Mỹ) cho biết.
Theo ông Thức, vì không có đất chôn cất tại địa phương, người dân được chính quyền huyện Tư Nghĩa yêu cầu liên hệ dịch vụ xây dựng Công viên Nghĩa trang Suối Mơ (thuộc địa phận xã Nghĩa Kỳ và xã Nghĩa Thuận). Trong khi đó, các chi phí dịch vụ ở đây quá lớn, người dân đa số làm nông nghiệp không có đủ khả năng nên chọn đi hỏa táng ở Đà Nẵng, ít tốn kém hơn.
Bí chỗ chôn cất
Bức xúc vì không có đất nghĩa trang, người dân tổ dân phố Vạn Mỹ nhiều lần gửi đơn kiến nghị bố trí đất an táng. Trong công văn trả lời của UBND thị trấn Sông Vệ, thời gian qua, khi có người qua đời, người thân đến liên hệ địa phương, quản trang để tìm vị trí tại những vùng đất xen kẽ, vùng lõm, giáp ranh ở khu vực nghĩa địa hiện hữu để chôn cất. Hiện nay, do quá trình phát triển đô thị, diện tích của thị trấn nhỏ hẹp, không đủ điều kiện để chôn cất tại địa phương.
Đối với việc quy hoạch mới hoặc mở rộng để làm nghĩa địa, theo UBND thị trấn Sông Vệ, trên địa bàn không có quỹ đất để quy hoạch mới hoặc mở rộng nghĩa địa.
“Thị trấn Sông Vệ có hơn 8.000 dân, suốt những năm qua, việc chôn cất người quá cố ở các nghĩa địa nhân dân, địa phương hầu như không thu khoản phí nào. Tuy nhiên, đến nay các nghĩa địa này đã hết diện tích và không thể chôn người chết. Đây vấn đề bức thiết không riêng gì của tổ dân phố Vạn Mỹ mà là của cả thị trấn. Rất mong cấp trên quan tâm đầu tư lò hoả táng để bà con đỡ đi ra Đà Nẵng, đồng thời xây dựng và sớm ban hành chính sách hỗ trợ chi phí hoả táng”, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Vệ Nguyễn Văn Tuyên bày tỏ.
Cũng theo quy hoạch nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030 xác định, đến năm 2030, tỉnh đầu tư xây dựng mới 6 cơ sở hỏa táng, trong đó, giai đoạn đến năm 2020 đầu tư 3 cơ sở, giai đoạn từ năm 2021-2030, đầu tư xây dựng mới thêm 3 cơ sở. Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng Quảng Ngãi, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có cơ sở hỏa táng nào được đầu tư và đưa vào hoạt động.
Đáng nói, trước đó, vào năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt quy hoạch nghĩa trang trên địa bàn tỉnh, trong đó có nghĩa trang Nghĩa Phương được quy hoạch để chôn cất cho người dân các xã phía Nam của huyện Tư Nghĩa.
Tuy nhiên, huyện Tư Nghĩa cho rằng, qua khảo sát thực tế tại Nghĩa Phương, để thực hiện 1,5ha đất nghĩa trang thì cần di dời tái định cư cho 83 hộ dân, chi phí bồi thường lớn nên không thực hiện.
Hiện huyện đã cho khảo sát quy hoạch 15ha tại xã Nghĩa Kỳ để xây dựng nghĩa trang nhân dân cho toàn huyện, nhưng ít nhất đến năm 2025 mới có thể bắt tay vào đầu tư.