70 năm giải phóng Thủ đô

Quảng Ngãi: Người trẻ làm nông nghiệp công nghệ cao

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tảo xoắn lần đầu tiên được nuôi trồng thành công ở Quảng Ngãi bởi một nhóm bạn trẻ, mở ra hướng đi mới về phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương.

Trong một lần đi học hỏi các mô hình kinh tế ở tỉnh Nghệ An, cùng với đó là được gặp gỡ nhiều nhà khoa học, hiểu thêm về đặc tính công dụng của tảo xoắn Spirulina, anh Đỗ Biên Nhất (sinh năm 1989, ở xã Bình Trị, huyện Bình Sơn) đã hợp sức cùng một nhóm bạn tại địa phương thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Vạn Tường (HTX Vạn Tường), quyết tâm khởi nghiệp mô hình này. 

Khu vực nuôi tảo xoắn của HTX Vạn Tường
Khu vực nuôi tảo xoắn của HTX Vạn Tường

Nguồn giống tảo xoắn đang nuôi và sản xuất tại HTX Vạn Tường được nhóm nghiên cứu của trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng phân tích từ 40 loại giống tảo xoắn thu thập từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Loại tảo xoắn này được xem là loại chất lượng, giàu chất dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe người sử dụng.

“Bên cạnh nhiệt độ ổn định, từ 35 - 40 độ C, nguồn nước cũng đóng vai trò quyết định sự phát triển của tảo. Khu vực này thuận lợi là mạch nước từ nguồn đá ong, rất sạch. Kết quả test sản phẩm sau khi kiểm định làm chúng tôi bất ngờ vì hàm lượng vi chất dinh dưỡng cao hơn so với mong đợi. Cốm tảo được ra đời sau đó, vào tháng 10/2020, đây cũng là sản phẩm đầu tiên của HTX”, anh Nhất cho biết.

Thu hoạch tảo xoắn
Thu hoạch tảo xoắn

Từ đó, HTX bắt đầu sản xuất ra một số loại thực phẩm, dược phẩm từ loại tảo xoắn để đưa ra thị trường như: Cốm tảo, bột tảo, viên nhộng, bánh quy, thạch tảo và được người tiêu dùng đón nhận tích cực, đặt niềm tin vào sản phẩm.

“Hiện nay vẫn đang trong quá trình nuôi thử nghiệm. Trên cơ sở những thành công bước đầu, chúng tôi dự kiến sẽ mở rộng quy mô lên gấp đôi, từ 36.000m3 lên 72.000m3. Đồng thời đầu tư thêm trang thiết bị, máy móc để đa dạng hóa sản phẩm, và dự kiến phát triển các sản phẩm làm đẹp là mặt nạ tảo. Hiện tại, phần lớn các sản phẩm đều được sản xuất và đóng gói ở tỉnh khác”, anh Nhất cho hay.

Mô hình nuôi trồng và phát triển tảo xoắn Spirulina của HTX Vạn Tường đã và đang đem lại việc giải quyết lao động của địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sự phát triển của HTX đã góp phần tạo việc làm cho 20 thanh niên địa phương. Trong đó, có 15 lao động thường xuyên và 5 lao động thời vụ. Hầu hết các lao động của HTX đều biết sử dụng máy móc và công nghệ nên thuận tiện trong các khâu sản xuất, chế biến sản phẩm.

“Mỗi người mỗi ngành nghề, người làm công tác đoàn, người làm bên xây dựng…  nhưng chung ý tưởng nên cùng góp sức để làm. Mừng nhất là sản phẩm được đánh giá cao và thị trường đón nhận. Trong dịp tết, mức tiêu thụ sản phẩm này cao hơn hẳn so với ngày thường 30 - 40%. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp cũng đặt hàng để làm quà tặng”, anh Nhất chia sẻ.

Anh Đỗ Biên Nhất - Giám đốc HTX Vạn Tường.
Anh Đỗ Biên Nhất - Giám đốc HTX Vạn Tường.

Theo ông Ung Đình Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, thời gian qua, trên địa bàn huyện có nhiều sản phẩm nông nghiệp được đăng ký nhãn hiệu cũng như được công nhận là sản phẩm OCOP. Đây là tín hiệu tích cực để ngành nông nghiệp huyện phát triển bền vững hơn.

“Năm 2021, UBND huyện đã phân bổ 400 triệu đồng hỗ trợ kinh phí đối với 8 sản phẩm để hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; trong đó, hỗ trợ 49 triệu đồng cho HTX Vạn Tường phát triển sản phẩm bánh quy tảo xoắn”, ông Hiền thông tin.

Mới đây, sản phẩm tảo xoắn Vạn Tường đã được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ngãi. Trước đó, vào cuối tháng 12/2021 vừa qua, anh Đỗ Biên Nhất là một trong 57 thanh niên nông thôn tiêu biểu được nhận giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVI với mô hình nông nghiệp công nghệ cao là tảo xoắn. Dự án nuôi và phát triển vi tảo xoắn do nhất đứng tên cũng đạt giải nhất trong cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 2, năm 2020.

Phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ có lợi cho sức khỏe người sử dụng đang là hướng đi của HTX Vạn Tường. Tuy nhiên, thực phẩm từ tảo xoắn đã có mặt từ lâu trên thị trường, do đó, làm thế nào để đi sau nhưng không lạc hậu và thua cuộc là điều mà HTX này đang tính toán.