Chứng kiến 8 sào keo (500m2/sào) đã gần đến kỳ thu hoạch bị chết khô bởi đợt nắng nóng khốc liệt vừa qua, ông Lê Văn Minh (xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) buông tay bất lực. “8 sào keo được gần 4 năm tuổi rồi, nay chết khô gần hết”, ông Minh chua xót.
Ông Minh chỉ là một trong số nhiều hộ dân khác "mất trắng" hàng trăm triệu đồng khi rừng keo bị chết rụi bởi sự khắc nghiệt của thời tiết.
“Suốt từ đầu năm đến nay trời nắng nóng, người còn khô kiệt thì làm sao cây cối sống cho nổi. Mãi đến chiều 29/7 vừa rồi mới có mưa giông, nhưng keo đã chết khô cả rồi, không cứu được nữa”, bà Phạm Thị Lan ( xã Bình Phú, huyện Bình Sơn) chia sẻ.
Không chỉ riêng tại huyện Bình Sơn, tại nhiều nơi khác của tỉnh Quảng Ngãi, người trồng keo cũng đang lao đao do keo bị chết khô và cháy rừng. Tại huyện Đức Phổ, trong tổng diện tích hơn 12.000 ha rừng sản xuất thì hiện đã có gần 300 ha rừng keo của người dân bị chết, nhiều nhất là tại xã Phổ Thạnh, Phổ Cường và Phổ Khánh, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
“Trong vòng mấy chục năm qua, đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng rừng sản xuất bị chết khô do nắng hạn”, ông Nguyễn Tấn Lái - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Phổ cho biết.
Ước tính, cứ 1 hecta keo khi thu hoạch, người nông dân có thể thu về nguồn thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng. Nhưng năm nay, nắng hạn đã đẩy nhiều hộ gia đình nông dân rơi vào cảnh trắng tay. Không ít người bật khóc khi nhìn cánh rừng- tài sản của gia đình đang bị sự dữ dằn của thiên nhiên tước đoạt.
Ông Nguyễn Văn Hân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Đợt nắng nóng năm 2019 kéo dài, được xem là đợt nắng nóng lịch sử từ trước đến nay đối với tỉnh Quảng Ngãi; theo ước tính ban đầu có khoảng 10.000 ha rừng trên địa bàn tỉnh bị chết khô”.
Theo ông Hân, hiện Sở đang yêu cầu các huyện trong tỉnh phải thống kê lại toàn bộ diện tích rừng sản xuất bị thiệt hại ở từng địa phương để có hướng đề xuất xử lý”.