Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: Những người tiên phong trồng quất Tết

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Từ chỗ mua về để bán và chơi Tết, một số hộ dân ở phường Nghĩa Lộ (TP Quảng Ngãi) đã mày mò tìm hiểu rồi bén duyên với nghề trồng quất, phục vụ thị trường.

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 càng tới gần, ông Lê Văn Cần (47 tuổi, tổ dân phố 1, phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi) lại càng bận rộn để chăm sóc hơn 800 chậu quất trĩu quả đang chuẩn bị chín rộ.

Ông Cần tập trung chăm sóc quất để phục vụ thị trường Tết.
Ông Cần tập trung chăm sóc quất để phục vụ thị trường Tết.

Nhận thấy quất cảnh là loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, năm 2015, ông Cần quyết định bắt tay vào trồng thử nghiệm. Vừa làm vừa học và tìm hiểu, ông Cần dần nắm được các đặc tính của cây quất.

“Nghề chính của tôi là thợ hồ chứ không phải trồng quất đâu. Hồi đầu, vào mỗi dịp Tết chỉ mua quất về bán và chưng trong nhà, sau đó mới nảy sinh ra ý định trồng. Trồng được rồi thì cứ tăng dần số lượng qua mỗi năm. Tính đến nay đã gắn bó với nghề trồng quất được 7 năm”, ông Cần nhớ lại.

Để có những chậu quất đẹp, sum suê bán vào dịp Tết, bắt đầu từ tháng 2 Âm lịch, ông Cần đã bắt tay vào việc trồng và chăm sóc. Tùy theo hình dáng của cây mà ông cắt ngọn, tỉa cành theo cách khác nhau.

Theo ông Cần, nghề chăm quất cũng giống như... chăm con mọn vì tốn nhiều công chăm sóc, nhất là với bộ rễ. Bởi lẽ, quất đẹp hay xấu phụ thuộc rất nhiều vào bộ rễ của nó, nếu rễ đẹp thì chơi được lâu, còn khi bị hỏng rễ, quất thường xấu mã và không bền.

Để có được những cây quất trĩu quả, cành lá sum suê, người trồng phải tốn nhiều công chăm bón.
Để có được những cây quất trĩu quả, cành lá sum suê, người trồng phải tốn nhiều công chăm bón.

“Quất là giống ưa đất cát, do đó đất để trồng tôi tìm mua ở khu vực ven sông Trà Khúc. Loại cây này cây ra hoa kết quả quanh năm nên phải thăm vườn thường xuyên, phát hiện cây có hoa thì ngắt bỏ để tập trung cho cây phát triển. Bắt đầu từ tháng 5 - 6 Âm lịch, người trồng phải tiến hành hãm nước, để cho hoa ra đồng loạt và đậu quả, lứa quả này sẽ chín vào đúng dịp Tết”, ông Cần chia sẻ.

Bên cạnh đó, cây quất cũng hay bị nhiễm nấm bệnh, nhất là vào giai đoạn quả đang chín, nên người trồng phải chủ động phun các loại thuốc phòng ngừa, thì quả mới dày, không bị nhũn và rụng.

Năm nay thời tiết khá thuận lợi nên quất vườn ông Cần sai trĩu quả, vàng óng và nhiều lộc. Hiện khách đã đặt khoảng 50% số cây, uớc tính sau khi trừ chi phí, ông Cần có thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

Thấy ông Cần thành công với việc trồng và nhân rộng cây quất, một số hộ dân trong vùng cũng mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm rồi áp dụng để cải thiện kinh tế gia đình, trong số đó có ông Trịnh Tấn (51 tuổi, tổ dân phố 1, phường Nghĩa Lộ).

Ông Tấn bén duyên với nghề trồng quất được 2 năm.
Ông Tấn bén duyên với nghề trồng quất được 2 năm.

Theo ông Tấn, đây là năm thứ 2 gia đình ông trồng quất cảnh để bán với số lượng hơn 100 cây. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, hiện tại vườn quất của ông ra quả rất đều và đẹp, bắt đầu ngả sang màu vàng, từ nay đến Tết sẽ vàng đều.

“So với trồng các cây màu thì trồng quất tốn nhiều công chăm sóc hơn, nhất là 3 tháng cuối năm, mục đích cuối cùng là làm sao để đậu nhiều quả, ra nhiều lộc thì khách hàng mới ưa chuộng. Hơn nữa thời tiết cuối năm thường có mưa, người trồng phải chăm sóc hàng ngày, phát hiện ra các bệnh trên thân, trên lá là phải phòng trừ ngay”, ông Tấn cho hay.

Chủ tịch Hội Nông dân phường Nghĩa Lộ Lê Thiện Đệ cho biết, thời gian qua, một số hộ dân trên địa bàn phường đã mạnh dạn triển khai mô hình trồng quất cảnh để phục vụ thị trường dịp tết cổ truyền và phát triển kinh tế gia đình.

Trồng quất cảnh mang lại thêm thu nhập cho các hộ dân.
Trồng quất cảnh mang lại thêm thu nhập cho các hộ dân.

“Thời gian đến, Hội Nông dân phường Nghĩa Lộ sẽ thành lập chi hội nghề nghiệp trồng quất cảnh, tập hợp những hộ có chung sở thích, nhằm chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng diện tích trồng quất cũng như kết nối đầu ra tiêu thụ, giúp hội viên, nông dân có thêm nguồn thu nhập”, ông Đệ nói.