Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi nỗ lực giải bài toán đầu ra cho dưa hấu

NGHIÊM HÀ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Quảng Ngãi có gần 1.400 héc ta trồng dưa hấu, sản lượng bình quân mỗi năm hàng chục nghìn tấn. Việc tiêu thụ dưa hấu nhiều năm liền là bài toán khó bởi thị trường phần lớn phụ thuộc vào Trung Quốc, người trồng dưa ở vào thế bị động. Hiện chính quyền Quảng Ngãi đang nỗ lực tìm kiếm đầu ra ổn định nhằm chấm dứt tình trạng dưa ứ đọng hoặc bị ép giá.

Từ thiện không phải đầu ra
Tại tỉnh Quảng Ngãi, mỗi năm, có hàng ngàn hộ nông dân trồng dưa với diện tích khoảng 1.400 héc ta. Nhiều hộ gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ, nhưng cũng có không ít người trắng tay vì giá cả bấp bênh. Với nông dân Quảng Ngãi, trồng dưa không khó, nhưng nỗi lo lớn nhất là đầu ra của sản phẩm. Nhiều năm gần đây, năm nào dưa hấu Quảng Ngãi cũng phải kêu gọi cộng đồng "giải cứu". Song đó chỉ là giải pháp tình thế.
Ông Đỗ Thiết Khiêm, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, thừa nhận: “Nhiều năm gần đây, chúng tôi phải thường xuyên nhờ đến sự trợ giúp của cộng đồng để  “giải cứu” dưa hấu bởi có đến hàng ngàn tấn dưa bị tồn đọng, rẻ như cho mà vẫn không ai mua".
 Quảng Ngãi hiện có khoảng 1.400 héc ta trồng dưa hấu.
Gần đây nhất là vào tháng 5/2018, chỉ tính riêng tại huyện Bình Sơn còn gần 1.500 tấn dưa hấu bị ứ đọng tại ruộng. Giá dưa tại thời điểm này cũng xuống ở mức dưới 2.000 đồng/kg. Trước tình trạng này, chiến dịch giải cứu lại được phát động với sự tham gia của nhiều cá nhân, tập thể trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, việc giải cứu liên tiếp nhiều năm liền cho thấy đây không phải là một hướng đi bền vững cho dưa hấu. Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là : “Tại sao năm nào cũng trồng để rồi giải cứu?”.
Chị Nguyễn Thu Bình,  sinh viên Trường đại học sư phạm Đà Nẵng chia sẻ: “ Sau những lần làm tình nguyện viên bán dưa hấu cho bà con, mình nghĩ rằng thay vì kêu gọi giải cứu thì chính quyền nên kêu gọi đầu tư sản xuất các sản phẩm bánh, kẹo, nước ép làm từ dưa hấu sẽ thú vị và hấp dẫn hơn nhiều”.
Tìm hướng đi bền vững
Thời gian qua, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm kiếm thị trường, kết nối hỗ trợ nông dân tiêu thụ dưa hấu và các loại nông sản. 
Để tránh tình trạng phải giải cứu dưa hấu hàng năm do tiêu thụ không được, tỉnh Quảng Ngãi đã mời một số doanh nghiệp Trung Quốc tham gia hội nghị kết nối cung - cầu, tổ chức đi thực tế một số cánh đồng dưa ở Bình Sơn, Sơn Tịnh và TP.Quảng Ngãi.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng đưa ra khuyến cáo về thời gian trồng và thu hoạch. “Đối với dưa hấu, nông dân phải tính toán đến mùa vụ thu hoạch bán có giá nhất là từ tháng 2 đến tháng 4. Từ tháng 5 đến tháng 8 là lúc nông dân Trung Quốc thu hoạch đại trà dưa hấu. Do vậy, nếu thời điểm này nông dân chúng ta cũng thu hoạch thì cung sẽ vượt cầu, có “giải cứu” cũng không nổi. Ngoài ra, cần chọn giống dưa hấu chất lượng, phù hợp với thị trường Trung Quốc”, ông Nguyễn Tăng Bính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nói.
Đồng thời, việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm liên quan đến dưa hấu cũng được chú trọng. Ông Nguyễn Văn Phát, Phó Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Phát triển Khánh Hưng cho biết: “Doanh nghiệp đang phối hợp với chính quyền địa phương tìm kiếm thị trường và giải quyết đầu ra ổn định cho dưa hấu tỉnh Quảng Ngãi. Hiện đã khảo sát nhiều nơi nhưng dự kiến sẽ xây dựng nhà máy nước ép dưa hấu tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Việc xây dựng nhà máy cũng nhằm góp phần tiêu thụ dưa hấu, giảm bớt khó khăn cho người nông dân”.
 Lễ hội dưa hấu được tổ chức nhằm quảng bá cây trồng chủ lực của huyện Bình Sơn cũng như kết nối thị trường nông sản, kết nối du lịch cộng đồng.
Trong nỗ lực liên quan đến việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ dưa hấu, vào ngày 13/4, huyện Bình Sơn tổ chức lễ hội dưa hấu đầu tiên ở Quảng Ngãi. Tại lễ hội này, cùng với trưng bày các giống, loại dưa hấu mới có chất lượng thơm ngon vượt trội, nhiều trò chơi như thi vận chuyển tung hứng dưa hấu bằng tay, thi điêu khắc dưa hấu, chế biến các món ăn, nước giải khát từ dưa hấu, thi ăn dưa hấu nhanh... được tổ chức với sự tham gia của hàng trăm thành viên là nông dân, người buôn bán dưa... đến từ 25 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bình Sơn.

 Điêu khắc dưa hấu- một trong những nội dung thi thú vị tại lễ hội dưa hấu.

Ông Đỗ Thiết Khiêm, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, cho biết: "Lễ hội  nhằm tôn vinh cây nông nghiệp chủ lực cũng như huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế để phát triển du lịch, gắn phát triển du lịch với giới thiệu, quảng bá, mua bán, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương đến du khách trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là dịp để địa phương tổ chức kết nối thị trường nông sản, kết nối du lịch cộng đồng".