Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: "Nói không" với khai thác hải sản bất hợp pháp

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quảng Ngãi từng là địa phương “dẫn đầu” cả nước về số lượng tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Tuy nhiên, trong 5 năm gần đây, tình trạng này đã giảm đáng kể.

Chuyển đổi nghề phù hợp

Năm 2016, tàu của ngư dân Phạm Thơ (trú thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) bị cơ quan chức năng của Australia bắt và giam 45 ngày vì xâm phạm lãnh hải.

“Sau khi được thả về, tự nhủ sẽ không bao giờ vi phạm nữa. Bây giờ tôi bỏ nghề lặn, chuyển sang hành nghề lưới màng. Hiệu quả kinh tế tuy có giảm hơn nhưng được cái an toàn, ổn định”- ngư dân Thơ nói.

Các tàu hành nghề lặn giờ đã chuyển sang nghề khác.
Các tàu hành nghề lặn giờ đã chuyển sang nghề khác.

Làng Gành Cả (xã Bình Châu, huyện Bình Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nổi tiếng khắp cả nước với số lượng tàu cá, lao động hành nghề nghề lặn bắt hải sâm, đồi mồi… ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa (Việt Nam). 

Giai đoạn trước năm 2017, xã Bình Châu từng dẫn đầu cả nước về số lượng tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài. Đáng chú ý, phần lớn tàu vi phạm lãnh hải nước ngoài đều hành nghề lặn. 

Một số ngư dân tiết lộ, khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài chỉ trong vài ngày, nhưng lợi nhuận mang lại hơn cả tháng đánh bắt ở ngư trường trong nước. 

Tình trạng này "nóng" đến mức, năm 2017, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã về xã Bình Châu để làm việc với chính quyền và ngư dân xã này, nhằm tìm ra giải pháp chống khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định).

Sau cuộc họp lắng nghe tâm tư của ngư dân và các cấp chính quyền xã Bình Châu, đặc biệt là các ngư dân từng bị nước ngoài bắt giữ vì vi phạm vùng biển nước ngoài, rất nhiều giải pháp được triển khai để chống khai thác IUU. Từ đó, việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác hải sản của ngư dân dần có những chuyển biến tích cực, trình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đã bắt đầu giảm.

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, năm 2017, Bình Châu có 13 tàu cá với 191 thuyền viên bị nước ngoài bắt giữ, tịch thu tài sản. Tuy nhiên đến nay, tình trạng tàu cá trong xã xâm phạm vùng biển nước ngoài hầu như đã được chấm dứt.

“Từ đầu tháng 3/2018, hàng trăm chủ tàu cá xã Bình Châu ký cam kết chấm dứt tình trạng vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài. Nhiều tàu cá đã chuyển từ nghề lặn sang các hình thức khai thác thân thiện với môi trường hơn”- ông Hùng nói thêm.

Tập trung gỡ thẻ vàng

Sở hữu tàu cá có chiều dài trên 15m, hành nghề ở vùng biển khơi, nhưng ngư dân Trần Vàng (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) - thuyền trưởng tàu cá QNg 98729 TS lại không duy trì thiết bị VMS hoạt động. Ngay sau khi ông đưa tàu về bến, Đồn biên phòng Sa Huỳnh đã tiến kiểm tra, lập biên bản vi phạm và xử phạt 25 triệu đồng, tước bằng thuyền trưởng trong 4 tháng.

Tàu cá của ngư dân thị xã Đức Phổ.
Tàu cá của ngư dân thị xã Đức Phổ.

“Mình có lỗi thật, nhưng do giá dầu leo thang, bạn thuyền thì không có nên cầm cự ở Đà Nẵng. Máy VMS không có đóng tiền hàng tháng nên họ cắt” - ngư dân Vàng cho biết.

Theo thiếu tá Lê Minh Trọng - phó Đồn trưởng Đồn Biên Phòng Sa Huỳnh, Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi, phần lớn các phương tiện đơn vị đang quản lý hoạt động trên các vùng biển phía Bắc, trong số đó có 455 phương tiện thường xuyên ngắt thiết bị VMS, có dấu hiệu vượt ranh giới để khai thác hải sản.

“Đối với các phương tiện này, đơn vị lập danh sách, mời lên đơn vị để tuyên truyền và viết cam đoan, cam kết; đồng thời, yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm”- thiếu tá Trọng cho hay.

Thiết bị VMS tàu cá được xem là phương tiện hữu hiệu để giám sát, ngăn chặn hành vi khai thác IUU, đặc biệt khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên thời điểm này trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn 300 tàu cá, chiều dài từ 15m trở lên chưa lắp đặt thiết bị quan trọng này. Bên cạnh đó, nhiều phương tiện đã lắp đặt, nhưng không duy trì hoạt động, hoặc bị mất kết nối, gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý nghề cá.

Hiện tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị của ủy ban Châu Âu (EC), nhất là xử phạt nghiêm những tàu vi phạm IUU, góp phần giảm đáng kể tình trạng tàu cá bị nước ngoài bắt giữ. Trong 9 tháng năm 2022, Quảng Ngãi đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 38 trường hợp/37 phương tiện với số tiền 476,5 triệu đồng.

Bên cạnh đó, công tác quản lý tàu cá, truy xuất nguồn gốc, cấp chứng nhận thủy sản khai thác dần dần đi vào nề nếp. Đặc biệt, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép đã được kiểm soát. Tuy nhiên, việc thực hiện các khuyến nghị của EC vẫn còn những hạn chế và khó khăn nhất định như: hạ tầng cảng cá đầu tư chưa đồng bộ, thuyền trưởng chưa tuân thủ quy định về cập cảng cá cũng như việc bốc dỡ sản phẩm...

Hạ tầng nghề cá đầu tư chưa đồng bộ là một trong những khó khăn khi thực hiện các khuyến nghị của EC.
Hạ tầng nghề cá đầu tư chưa đồng bộ là một trong những khó khăn khi thực hiện các khuyến nghị của EC.

Ông Hồ Trọng Phương - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ngoài tuyên truyền cho ngư dân không xâm phạm lãnh hải các nước, ngành nông nghiệp tập trung rà soát, củng cố hồ sơ kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác.

“Việc thực thi các giải pháp chống khai thác IUU hướng đến mục tiêu cuối cùng là giúp ngư dân khai thác hải sản có trách nhiệm nhằm ổn định sinh kế với nghề cá. Lực lượng chức năng luôn tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân yên tâm thực hiện các hoạt động khai thác hải sản. Tuy nhiên, đối với những trường hợp cố tình vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh xử phạt nghiêm”- ông Phương khẳng định.