Hơn 2.600 ha lúa bị cắn phá
Thời gian qua, tình trạng chuột sinh sản nhanh và cắn phá lúa tại nhiều địa phương của tỉnh Quảng Ngãi đã dẫn đến nguy cơ gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa (xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành) có 4 sào lúa ở cánh đồng thôn Bàn Thới thì có 1,5 sào bị chuột phá hại, tỷ lệ đến 70%. “Từ trước Tết Nguyên đán Quý Mão chuột đã cắn phá lúa. Khi lúa trổ đòng chuột càng phá dữ hơn”- ông Nghĩa cho hay.
Tại thôn Độc Lập, xã Tịnh Ấn Tây (TP Quảng Ngãi), ông Từ Quang Phước có đến 6 sào lúa bị chuột cắn phá, khoảng 40% diện tích bị cắn đến sát gốc.
“Chưa có vụ nào nông dân khổ như vụ này. Vừa xuống giống thì gặp mưa lớn, rồi ốc bươu vàng cắn phải sạ, cấy lại hai lần, giờ thì chuột tàn phá. Làm mọi cách nhưng vẫn không hết chuột”- ông Phước thở dài.
Nhiều nông dân chia sẻ, năm 2022 không có lụt lớn nên chuột tồn tại trên đồng ruộng tương đối nhiều. Chuột phá hại ở hầu hết các giai đoạn của cây lúa, đặc biệt là giai đoạn đẻ nhánh - trổ đòng vì lúc này thời tiết ấm áp, cây lúa non, có vị ngọt. Các phương pháp bà con sử dụng để diệt chuột phổ biến là đặt bẫy, dùng ni lông làm hàng rào ngăn bờ, đổ nước...
Theo Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, vụ sản xuất Đông-Xuân 2022-2023, toàn tỉnh gieo sạ gần 37.900 ha lúa, đạt 100,3% so với kế hoạch.
Thời tiết vụ đông xuân tương đối thuận lợi nên cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, hiện nay chuột gây hại phổ biến trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, trổ bông ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Tổng diện tích bị hại trên 2.600 ha, tỷ lệ chuột gây hại phổ biến từ 2,5-10%, có nơi từ 10-40%.
Ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã tích cực hướng dẫn nông dân diệt chuột bằng nhiều biện pháp, trong đó chủ đạo vẫn là các biện pháp thủ công, bẫy cơ học, các loại thuốc trừ chuột có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam do Bộ NN& PTNT ban hành để hạn chế chuột gây hại làm ảnh hưởng đến năng suất lúa.
Nhiều khó khăn
Cũng theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, bên cạnh chuột gây hại trên cây lúa, ngành nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn bởi 2 giống cây trồng chủ lực của các huyện miền núi là cây mì (sắn) và cây keo bị nhiễm bệnh.
Cụ thể, niên vụ mì 2022-2023, các địa phương trong tỉnh đã xuống giống được 6.000/12.900 ha, diện tích nhiễm bệnh virus khảm lá khoảng 670 ha. Bệnh chết héo cây keo do nấm xảy ra ở giai đoạn keo từ 1-3 năm tuổi, với tổng diện tích nhiễm bệnh gần 400 ha, tỷ lệ nhiễm bệnh từ 2- 20%, nơi cao 30 – 40%.
Một số dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng gia súc; viêm da nổi cục trâu, bò; dịch tả lợn châu Phi khởi phát tại một số xã trên địa bàn huyện Bình Sơn, Trà Bồng.
Liên quan đến vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền tỉnh giao ngành nông nghiệp và các địa phương tiếp tục theo dõi sát thời tiết, tình hình phát triển của cây lúa và các loại rau màu để có biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại kịp thời, an toàn và hiệu quả.
Thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, không để lây lan diện rộng, đặc biệt là các loại dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, viêm da nổi cục ở trâu, bò, dịch tả lợn châu Phi. Tổ chức hiệu quả tiêm vaccine phòng các bệnh nguy hiểm trên động vật đợt 1/2023.
Ông Hiền yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan không được chủ quan vì tình hình nắng nóng gay gắt trên diện rộng có thể xảy ra trong vụ hè thu như dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn. Vì vậy, chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống hạn ngay từ đầu vụ là yêu cầu cấp thiết phải thực hiện để đảm bảo sản xuất hiệu quả, thành công.