Tranh thủ tiết trời tạnh ráo sau Tết, ông Cao Có (thôn 6, xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi) thu hoạch ít hành lá trồng xen trong ruộng rau cải để bán cho các mối quen, kiếm thêm thu nhập.
“Có 3 sào trồng rau, một sào trồng cải thìa bị cháy ngọn, không lớn nổi, sào còn lại mới xuống giống, một sào cải ngọt vừa thu hoạch thì sản lượng thấp, giá cũng thấp. Vụ rau Đông Xuân năm nay thấy vậy mà khó làm, thời tiết thất thường quá”- ông Cao Có cười buồn.
Không may mắn như ông Có, bà Nguyễn Thị Hoa (thôn 6, xã Nghĩa Dũng) thuê 3 sào ruộng vào tháng 11 Âm lịch năm ngoái (sào 500m2) với giá 3 triệu đồng/sào/năm để trồng cải ngọt. Trung bình mỗi sào, tiền giống, phân bón, thuốc, công chăm sóc hết khoảng 2 triệu đồng. Thế nhưng, thời tiết không thuận lợi khiến toàn bộ diện tích trồng rau của bà bị dập nát, hư hỏng.
“Lứa rau vừa rồi hy vọng bán lấy tiền tiêu Tết nhưng mất trắng. Bây giờ, tranh thủ thời tiết khô ráo nên trồng lại lứa rau mới. Sắp tới giá cao lên còn đỡ, chứ giá bây giờ bán cũng không đủ bù chi phí”- bà Hoa than thở.
Xã Nghĩa Dũng (TP Quảng Ngãi) là 1 trong những vùng chuyên canh rau lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi với hàng trăm hộ dân làm nghề trồng rau, tập trung chủ yếu ở thôn 6. Tại đây, rau được xuống giống quanh năm, trừ những tháng mưa bão.
Trong các vụ sản xuất, Đông Xuân được xem là vụ chính bởi cung ứng cho thị trường thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, mang lại thu nhập khá cho người trồng.
Theo người dân địa phương, vụ rau Đông Xuân ở xã Nghĩa Dũng thường bắt đầu từ giữa tháng 11 Âm lịch. Đây là thời điểm kết thúc mùa mưa bão, trời se lạnh, chủ yếu là mưa phùn rất thích hợp cho cây rau phát triển. Hiếm có năm nào xảy ra tình trạng thời tiết không ủng hộ như năm nay khiến cho hầu hết các hộ trồng rau ở đây bị thiệt hại, thua lỗ.
Vụ Đông Xuân 2022 - 2023, từ tháng 11 đến đầu tháng Giêng Âm lịch, trời vẫn mưa nhiều dẫn đến tình trạng các loại rau, quả sau khi xuống giống bị hư hỏng, chậm phát triển, năng suất giảm mạnh; một số vùng trũng ngập nước không thể canh tác, làm người trồng thất thu. Nhiều nông dân e ngại thời tiết bất lợi cũng không dám xuống giống sản xuất.
Ông Phan Chì (thôn 6, xã Nghĩa Dũng) chia sẻ: “Trước Tết tới giờ trời cứ mưa, lạnh nên không dám trồng, ruộng cũng ngập nước mãi. Mọi năm làm rau vụ Đông Xuân thu nhập khá lắm, năm nay đành bỏ. Sắp rằm tháng Giêng rồi nên bây giờ mới lo làm đất, tính trồng cải mà cũng không biết giá cả thế nào, sợ lại thua lỗ”.
Nếu như thời điểm này vào các năm khác, phủ khắp cánh đồng chuyên canh rau ở thôn 6 là màu xanh mơn mởn hút mắt của xà lách, cải, ngò rí, diếp cá, tần ơ, bắp cải… thì bây giờ, cả cánh đồng là hình ảnh loang lổ; một số ruộng vừa mới làm đất, nhiều vùng trũng vẫn còn ngập nước, một số ruộng rau quả hư hỏng nằm ngổn ngang.
Người trồng rau đã buồn lại thêm buồn khi giá cả các loại rau cũng xuống thấp. Theo tìm hiểu, thương lái thu mua trung bình từ 1.500 đồng đến 5.000 đồng/kg, tùy từng loại rau.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Dũng Nguyễn Hiệu cho hay, toàn xã có khoảng 90ha chuyên canh rau. Thời tiết mưa lạnh kéo dài làm cho nhiều diện tích bị ảnh hưởng, hư hỏng, sản lượng giảm sút.
“Xã đã khuyến cáo bà con tranh thủ trời năng ráo để thu hoạch những diện tích còn sót lại, đồng thời theo dõi tình hình thời tiết để xuống giống vụ mới đạt hiệu quả”- ông Hiệu cho hay.
Được biết, một số địa phương có diện tích canh tác rau lớn ở Quảng Ngãi cũng đối mặt với tình trạng thất bát tương tự.
“Thời tiết thất thường nên nhiều diện tích rau bà con xuống giống phục vụ thị trường dịp trước, trong, sau Tết chậm phát triển và hư hỏng”- Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ xã Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi) Lê Văn Nghĩa chia sẻ.