Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: Nứt núi Cà Mon, hàng chục hộ dân sống thấp thỏm

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Hàng chục hộ dân dưới chân núi Cà Mon phải sống trong nỗi thấp thỏm bởi tình trạng sạt lở gây nguy hiểm đến tài sản, tính mạng có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Mùa mưa năm 2019, núi Cà Mon (thôn Nước Lăng, xã Ba Xa, huyện Ba Tơ) đã xuất hiện vết nứt kéo dài hàng trăm mét. Hiện nay, vết nứt ngày càng dài ra và rộng thêm, có chỗ bị sụt lún đến gần 2 mét.

Vết nứt trên núi Cà Mon đã xuất hiện từ năm 2019.
Vết nứt trên núi Cà Mon đã xuất hiện từ năm 2019.

Hơn 3 năm qua, 11 hộ dân ở dưới chân núi Cà Mon luôn sống trong cảnh lo lắng, bất an vì mùa mưa lũ, ngọn núi này có thể sạt lở, đổ ập lên đầu bất cứ lúc nào.

“Núi Cà Mon đã bị nứt, sạt lở, chúng tôi ở đây sợ quá, ban đêm cũng sợ, ban ngày cũng sợ vì không biết sạt núi lúc nào”, ông Phạm Văn Nghệ (thôn Nước Lăng, xã Ba Xa) lo lắng.

Ông Phạm Văn Nghệ luôn sống trong cảnh lo sợ núi lở.
Ông Phạm Văn Nghệ luôn sống trong cảnh lo sợ núi lở.

Theo thống kê, ở dưới chân núi Cà Mon có 11 hộ dân với 54 nhân khẩu người dân tộc H're sinh sống. Vết nứt chỉ cách nhà dân khoảng 100 mét, nên vào mùa mưa, người dân phải sống trong cảnh lo lắng, bất an.

“Núi Cà Mon đã bị sạt lở từ cách đây 3 năm, người dân mong muốn nhà nước quan tâm giúp đỡ, sớm di dời qua chỗ ở an toàn để ổn định cuộc sống”, trưởng thôn Nước Lăng Phạm Văn Thi bày tỏ.

Núi lở có thể đổ ập xuống nhà dân bên dưới.
Núi lở có thể đổ ập xuống nhà dân bên dưới.

Mùa mưa lũ đến, khi suối Nước Lăng dâng cao, 11 hộ dân ở dưới dân núi Cà Mon lại bị cô lập, không thể đi lại được. Để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân, chính quyền địa phương xã Ba Xa vận động các hộ dân di dời đến nhà văn hóa thôn, trường học ở tạm để phòng ngừa tình trạng sạt lở núi.

Vào mùa mưa, nước suối Nước Lăng dân cao khiến thôn bị cô lập.
Vào mùa mưa, nước suối Nước Lăng dân cao khiến thôn bị cô lập.

Tuy nhiên, việc chính quyền địa phương di dời dân trong những năm qua cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Giải pháp căn cơ là phải xây dựng khu tái định cư để ổn định cuộc sống, tránh sự cố đáng tiếc do sạt lở núi có thể xảy ra.

Chủ tịch UBND xã Ba Xa Phạm Văn Vôn cho hay: “Địa phương mong muốn cấp trên đầu tư khu tái định cư để bố trí cho các hộ dân có chỗ ở an toàn, nhất là mùa mưa bão sắp đến".

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi liên tục xuất hiện tình trạng lở núi ở các huyện miền núi, trở thành nỗi kinh hoàng của người dân sinh sống ở những vùng có nguy cơ cao.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của nhân dân vùng có nguy cơ sạt lở, chính quyền các cấp của các huyện miền núi luôn ưu tiên tổ chức rà soát có dự án, phương án khẩn cấp di dời, tái định cư.

Tiêu biểu có thể kể đến vụ sạt lở ở núi kinh hoàng, vùi lấp cả làng Huy Duỗi (xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) vào tháng 10/2020, dân làng tứ tán chạy đi trốn núi, tìm chỗ trú thân ở khắp nơi. 

vụ sạt lở núi ở xã Sơn Long vào năm 2020 từng "xóa sổ" một ngôi làng của người Cadong.
vụ sạt lở núi ở xã Sơn Long vào năm 2020 từng "xóa sổ" một ngôi làng của người Cadong.

Trước tình hình trên, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi giao huyện Sơn Tây triển khai thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư tập trung tại xã Sơn Long để an cư cho bà con.

Dự án có diện tích hơn 2,6 ha, tổng vốn đầu tư 29 tỷ đồng, gồm 56 lô tái định cư (mỗi lô 400m2). Đến nay, dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, người dân vùng sạt lở chuyển vào dựng nhà, ổn định cuộc sống.