Quảng Ngãi: Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch tạo sinh kế bền vững

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm được xem là giải pháp tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Hơn 1 năm nay, chị Nguyễn Thị Vân (thôn Bình Đông, xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) chuyển diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa cúc. Bình quân mỗi sào đất, chị trồng khoảng 15.000 cây hoa cúc.

Cúc được trồng để phục vụ thị trường dịp rằm và mồng một hàng tháng.
Cúc được trồng để phục vụ thị trường dịp rằm và mồng một hàng tháng.

“Sau 2,5 tháng trồng và chăm sóc, tôi bán hoa cúc thu được khoảng 18 - 22 triệu đồng. Tôi luân phiên trồng hoa cúc trên 3 sào đất để có hoa bán đều đặn hằng tháng”, chị Vân chia sẻ.

Nhận thấy lợi ích mang lại từ việc trồng các loại hoa truyền thống như cúc, thạch thảo, hoàng anh... để bán quanh năm, tại xã Nghĩa Hà đã phát triển vùng trồng hoa khoảng 10ha. Cùng với đó, người dân còn trồng khoảng 30ha hoa các loại phục vụ dịp Tết Nguyên đán.

Du khách đến tham quan vườn hoa Nghĩa Hà.
Du khách đến tham quan vườn hoa Nghĩa Hà.

Hình thành được vùng trồng hoa, xã Nghĩa Hà trở thành địa chỉ du lịch mới, thu hút sự quan tâm của du khách khắp nơi. Nhiều người trồng hoa tại Nghĩa Hà nhạy bén nắm bắt thời cơ này để tăng gia sản xuất, kiếm thêm thu nhập từ việc bán hoa cho khách tham quan.

“Trước đây, tôi chỉ trồng khoảng 1.000 chậu hoa đồng tiền bán dịp Tết. Còn từ năm ngoái đến nay, khi thấy khách đến tham quan cánh đồng hoa ngày một nhiều, tôi mạnh dạn trồng thêm 600 chậu hoa để bán cho du khách”, ông Đặng Văn Minh (thôn Bình Đông) phấn khởi.

Ông Đặng Văn Minh có thêm thu nhập từ bán hoa cho du khách.
Ông Đặng Văn Minh có thêm thu nhập từ bán hoa cho du khách.

Để hỗ trợ người dân phát triển vùng trồng hoa theo hướng bền vững, năm 2022, TP Quảng Ngãi đầu tư 4 tỷ đồng xây dựng hạ tầng kỹ thuật làng hoa Nghĩa Hà với diện tích 10ha.

Mong muốn ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, người dân nơi đây cũng đã mạnh dạn góp vốn đối ứng xây dựng 5 nhà lồng trồng hoa, với tổng diện tích 2.500m2.

Tiếp tục đồng hành cùng người dân, UBND xã Nghĩa Hà đang thực hiện dự án liên kết và tiêu thụ sản phẩm hoa Nghĩa Hà, với tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng. Dự án tập hợp 37 hộ dân trồng hoa tại địa phương cùng xây dựng vùng trồng hoa thâm canh với diện tích 3,1ha.

Tham gia vào dự án, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nghĩa Hà đóng vai trò chủ đạo trong tổ chức sản xuất, chịu trách nhiệm liên kết với các doanh nghiệp, đại lý, thương lái trong tiêu thụ sản phẩm hoa cho người dân. HTX cũng là đơn vị chủ công trồng 12.000m2 hoa cúc phục vụ du khách tham quan trong dịp tết Nguyên đán 2024.

Nghĩa Hà trồng đa dạng các loại hoa để phục vụ thị trường và du khách.
Nghĩa Hà trồng đa dạng các loại hoa để phục vụ thị trường và du khách.

“Dự án này hướng đến mục tiêu tạo ra mô hình điển hình về phát triển nông nghiệp gắn với du lịch để người dân tham quan, tiến tới nhân rộng ra toàn xã. Từ đó, hình thành nên vùng trồng hoa tập trung xã Nghĩa Hà gắn với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm để tạo điểm nhấn, thu hút du khách, mở ra cơ hội phát triển mới cho địa phương”, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà Nguyễn Thị Loan cho biết.

Tại xã Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi), mô hình trồng dừa xiêm lùn da xanh được triển khai vào năm 2018, với quy mô hơn 2ha. Tận dụng nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã Tịnh Khê cấp cây giống mở rộng thêm hơn 18ha, với sự tham gia của 58 hộ dân.

Dừa xiêm lùn da xanh đã cho trái.
Dừa xiêm lùn da xanh đã cho trái.

Đến nay, nhiều diện tích dừa đã bắt đầu cho trái. Từ đó, HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Tịnh Khê lên ý tưởng phát triển thành dự án du lịch sinh thái cộng đồng và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân.

Xác định du lịch nông nghiệp sẽ là động lực thúc đẩy cho việc thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương ở TP Quảng Ngãi mạnh dạn tận dụng lợi thế ngành nghề truyền thống để nâng thu nhập của người dân trên cùng đơn vị diện tích.

Hiện tại, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tham mưu cho UBND TP Quảng Ngãi tiếp tục hỗ trợ nhiều mô hình nông nghiệp phù hợp với địa phương và tạo liên kết để phát triển du lịch.

Kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch sẽ làm tăng lợi ích kinh tế cho người dân.
Kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch sẽ làm tăng lợi ích kinh tế cho người dân.

“Kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch là hướng đi bền vững, gia tăng lợi ích kinh tế cho người nông dân, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ, thay đổi diện mạo nông thôn”, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Quảng Ngãi Trần Đình Tiến chia sẻ.