Mấy chục năm sống gần bên lò gạch, ông Nguyễn Văn Tài (xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa) bức xúc: “Ngày nào cũng phải hít khói bụi từ lò gạch, không thở nổi. Người lớn còn không chịu được, nói gì đến mấy đứa trẻ nhỏ”.
Qua quan sát, các lò gạch này đốt luân phiên 2 - 3 ngày/lần, khói thải làm ô nhiễm môi trường sống xung quanh, không khí xung quanh ngột ngạt, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là các em nhỏ. Đồng thời, ảnh hưởng khói bụi và sức nóng của các lò gạch, cây cối, hoa màu khu vực lân cận cũng kém phát triển.
Người dân sống ở gần đó các lò gạch cho rằng, việc các lò gạch không ngừng hoạt động là do chính quyền địa phương chưa kiên quyết xử lý nên các chủ lò tìm mọi cách trì hoãn và cố tình tiếp tục hoạt động trở lại.
Các chủ lò gạch cho biết, nguyên nhân họ chưa ngừng hoạt động vì đây là công việc mang lại thu nhập chính cho cả gia đình và hàng trăm lao động khác tại địa phương. Vấn đề được các chủ lò gạch quan tâm, lo lắng nhất là giải quyết việc làm và mong muốn được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp.
Hiện trên địa bàn huyện huyện Tư Nghĩa có trên 80 lò gạch thủ công đang hoạt động. Các lò gạch này đều nằm xen kẽ trong các khu dân cư, trường học và nằm gần ở những nơi hoạt động sản xuất nông nghiệp của nhiều người. Huyện Tư Nghĩa đang là nơi có số lượng lò gạch thủ công đang hoạt động lớn nhất ở Quảng Ngãi.
Lãnh đạo huyện Tư Nghĩa nhận định, nung gạch thủ công mang lại nguồn lợi lớn cho chủ lò gạch nên họ tìm mọi cách trì hoãn việc tháo dỡ, ngưng hoạt động như: Để nguyên liệu dự trữ đất sét, than, củi hiện còn tồn dư với số lượng lớn để trì hoãn việc ngừng hoạt động, tuy nhiên hàng ngày họ vẫn lén lút nhập nguyên liệu để sản xuất.
Viện lý do nguyên liệu dự trữ đất sét, than, củi hiện còn tồn dư với số lượng lớn, nhiều chủ lò gạch cố tình trì hoãn việc ngừng hoạt động. |
Ông Lê Trung Thành - Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa thừa nhận: Việc xóa bỏ triệt để các lò gạch thủ công trong thời gian ngắn thật sự rất khó đối với chính quyền địa phương. “Vướng mắc lớn nhất hiện nay là giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động và nguồn hỗ trợ chi phí để chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân. Để làm được phải cần nguồn hỗ trợ rất lớn, trong khi đó kinh phí của huyện thì hạn hẹp và không có khả năng đáp ứng”, ông Thành nói.
Theo ông Thành, trong thời gian tới, cùng với công tác tuyên truyền, vận động các chủ lò gạch, chính quyền sẽ tạo điều kiện thu mua nguyên liệu tồn đọng tại các sơ sở lò gạch, cũng như tìm hiểu về nhu cầu chuyển đổi sản xuất của các cơ sở để đưa ra phương án giải quyết tốt nhất cho bà con.
Hiện tại, huyện Tư Nghĩa đã yêu cầu các xã, thị trấn có đất cho các cơ sở lò gạch thuê phải chấm dứt ngay việc thuê đất, thanh lý hợp đồng, hoàn trả lại đất cho địa phương quản lý trước ngày 20/4/2019. Đối với ngành điện, phải xây dựng kế hoạch chấm dứt việc cung cấp điện cho các cơ sở này, phấn đấu trước ngày 30/4/2019 chấm dứt hoạt động các lò gạch thủ công.
Theo Công văn số 3198/UBND-CNXD ngày 6/6/2018 do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng ký và ban hành, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, TP xóa bỏ lò gạch thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn tỉnh. Giao các phòng chuyên môn phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch xóa bỏ tất cả các lò thủ công hiện có trên địa bàn, trình Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt làm cơ sở tổ chức thực hiện, đảm bảo hoàn thành việc xóa bỏ lò thủ công trên địa bàn trước ngày 31/8/2018; đồng thời kiên quyết thực hiện cưỡng chế tháo dỡ lò thủ công đối với các trường hợp chủ lò không tự giác tháo dỡ… |