Thực hiện đề nghị của Bộ Tài nguyên- Môi trường, thời gian qua, Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trung tâm Tư vấn và Kỹ thuật môi trường thuộc Tổng cục Môi trường tổ chức khảo sát, lập phương án xử lý lượng rác tồn đọng 22.500 m3 rác đã chôn lấp trước đây ở thôn La Vân, xã Phổ Thạnh, Đức Phổ. Mới đây, Sở Tài nguyên- Môi trường đã có văn bản báo cáo kết quả phân tích và kiến nghị phương án tốt nhất để xử lý lượng rác này là xử lý tại chỗ bằng hệ thống lò đốt của nhà máy hiện hữu (nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt huyện Đức Phổ).
Đơn vị chức năng đã lấy 4 mẫu nước rỉ rác tại vị trí trực tiếp nước rỉ rác chảy ra và các mẫu ra xa dần khu vực chứa lượng rác tồn đọng; 4 mẫu nước ngầm tại các vị trí nhà dân gần khu vực bãi rác; 8 mẫu không khí xung quanh và 6 mẫu đất tại khu vực xung quanh bãi rác. Kết quả phân tích cho thấy, đối với nước rỉ rác tại vị trí trực tiếp nước rỉ rác chảy ra có hàm lượng ô nhiễm khá cao. Đối với nước ngầm tại khu vực thì tổng Coliform trong các mẫu nước vượt quy chuẩn nhiều lần, điều này cho thấy nước ngầm quanh khu vực bãi rác có dấu hiệu nhiễm vi sinh.
Trước thực trạng đó, Sở Tài nguyên- Môi trường Quảng Ngãi nhận thấy rằng không thể chuyển lượng rác này đi nơi khác để xử lý vì việc này sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường trong quá trình bốc dỡ, vận chuyển. Do đó, phương án tốt nhất hiện nay để xử lý lượng rác này là xử lý tại chỗ bằng hệ thống lò đốt của nhà máy hiện hữu.
Theo Sở Tài nguyên- Môi trường Quảng Ngãi, để nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt huyện Đức Phổ được vận hành trở lại thì Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ môi trường MD cần hoàn thiện các công trình, hạng mục của nhà máy như hệ thống xử lý nước rỉ rác, ô chôn xỉ than; xây dựng phương án cụ thể về việc bốc dỡ và xử lý 22.500 m3 rác trình các sở, ngành xem xét trước khi triển khai thực hiện; xây dựng kế hoạch vận hành thử nghiệm đúng theo quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ thành lập tổ giám sát quá trình hoạt động thử nghiệm với sự tham gia của các cơ quan, đơn vị liên quan, địa phương và một số người dân tại khu vực; đồng thời đề xuất đầu tư thiết bị quan trắc tự động, liên tục để giám sát khí thải lò đốt của nhà máy trong quá trình vận hành để theo dõi, giám sát.