Đang kỳ thu hoạch vụ hành tím đầu tiên trong năm 2023 nhưng ông Phan Thanh Tuấn (thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) lại khá buồn bởi thất thu.
“Thời tiết thất thường làm cho sâu bệnh phát triển mạnh. Ngay trong vụ đầu tiên của năm mà có từ 30-40% diện tích bị sâu bệnh tấn công, năng suất giảm sút rõ rệt”- ông Tuấn than phiền.
Vụ này, ông Tuấn xuống giống 5 sào hành tím, dự kiến sản lượng cuối vụ đạt khoảng 5 tấn, thu về khoảng 40- 50 triệu đồng/sào. Nhưng với tình trạng như hiện nay, thu nhập của gia đình đã giảm ngót nghét gần phân nửa.
Xã Bình Hải được xem là thủ phủ hành tím lớn thứ 2 của Quảng Ngãi, chỉ đứng sau huyện đảo Lý Sơn. Trên địa bàn xã, hành tím là cây trồng chủ lực của người dân, nhất là thôn Thanh Thủy. Thôn có 560 hộ dân, thì hơn 380 hộ tham gia trồng hành trên diện tích hơn 100ha, sản lượng trên 1 nghìn tấn với 3 vụ/năm.
Sản phẩm hành tím Bình Hải được đánh giá có chất lượng rất tốt và vượt trội, có hương vị cay nồng nhẹ rất đặc trưng và rất thơm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Hiện tại, các hộ dân ở Bình Hải tập trung sản xuất hành tím theo hướng an toàn, tiêu diệt sâu rầy bằng những phương pháp thủ công, bảo vệ môi trường như chong đèn bẫy bướm vào ban đêm. Tuy nhiên, cách làm này chỉ ngăn được một phần, sâu bệnh vẫn làm thiệt hại nhiều ruộng hành của người dân.
“Năm nay sâu rầy về sớm và nhiều nên thiệt hại cao hơn hẳn so với các năm trước. Người trồng sớm thì được ít đồng, trồng sau thì thua lỗ”- bà Nguyễn Thị Dừa (thôn Thanh Thủy) chia sẻ.
Năm 2019, hành tím Bình Hải được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy đăng ký nhãn hiệu. Cùng với đó, hành tím Bình Hải được cấp mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm tiêu thụ rộng rãi ở thị trường nội tỉnh và nhiều tỉnh khu vực miền Trung.
Tuy nhiên, vì đầu ra chưa ổn định, cùng với sự thất thường của mùa màng, nông dân trồng hành tím ở Bình Hải vẫn luôn băn khoăn tìm hướng đi ổn định hơn cho sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương.
Ông Phạm Văn Xuyến – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết: “Hiện tại đối với hành tím, bà con không dùng phân bón hóa học nữa mà chủ yếu dùng các biện pháp sinh học để đảm bảo chất lượng do Cục sở hữu trí tuệ công nhận. Mong các cấp quan tâm hơn nữa để cùng với địa phương giúp cho bà con sản xuất đạt hiệu quả cao hơn, phát triển kinh tế, mang lại thu nhập ổn định".