Quảng Ngãi: Sở Xây dựng tự "bác" đề xuất sử dụng đá bụi thay cát sông

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Dùng đá bụi thay cát sông để san lấp mặt bằng thi công dự án trọng điểm được "bác" bởi chính đơn vị đề xuất.

Ngày 9/5, Sở Xây dựng Quảng Ngãi có văn bản về việc sử dụng đá mi bụi trong các công trình xây dựng.

Đá bụi từng được Sở Xây dựng đề xuất thay thế cát sông để san lấp mặt bằng thực hiện các công trình.
Đá bụi từng được Sở Xây dựng đề xuất thay thế cát sông để san lấp mặt bằng thực hiện các công trình.

Đáng chú ý, văn bản này "bác" đề xuất sử dụng đá bụi thay cho cát sông do chính Sở Xây dựng đề xuất trước đó- được cho là đột phá, có thể tạm thời giải quyết phần nào “cơn khát” vật liệu trong lúc hàng loạt công trình hạ tầng quan trọng đang triển khai thực hiện.

Lý do đưa ra là sau khi làm việc với các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá trên địa bàn tỉnh, giá đá mi bụi tại mỏ khoảng 100.000đ/m3, hơn nữa lượng sản phẩm này không nhiều, chỉ đáp ứng cho nhu cầu làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung, gạch lát vỉa hè, làm thành phần cốt liệu trong bê tông nhựa, cấp phối đá dăm...

Ngoài ra, để giải quyết vấn đề khan hiếm cát phục vụ thi công các công trình, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo cho Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu chỉ định các mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường trước 15/5/2023.

Đồng thời, 11 mỏ cát đã trúng đấu giá sẽ sớm được UBND tỉnh cấp phép khai thác, giải quyết được tình trạng khan hiếm cát trong thời gian tới.

Sở Xây dựng nhận thấy việc sử dụng đá mi bụi để san lấp mặt bằng hiện nay là chưa cần thiết, ưu tiên sản phẩm này để làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung, đáp ứng Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2171/QĐ-TTg ngày 23/12/2021, cũng như tránh trường hợp khan hiếm vật liệu này trong các năm tiếp theo.

Đá mi bụi (có nơi gọi là đá bụi hay đá mạt) là sản phẩm được tạo ra trong quá trình chế biến đá xây dựng, kích thước nhỏ dưới 5mm, hỗn hợp rời, hạt rắn chắc.

Đá mi bụi đang được sử dụng rộng rãi ở nhiều nơi trong các lĩnh vực khác nhau, phổ biến như: Là vật liệu trong sản phẩm bê tông nhựa; là thành phần trong hỗn hợp cấp phối đá dăm; rải nền đường và san lấp mặt bằng dân sinh; nhiều nhất là làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung...

Qua tham chiếu các tiêu chuẩn thì loại sản phẩm này có thể sử dụng để san lấp mặt bằng.