Đây là ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền tại cuộc họp chỉ đạo các nội dung liên quan đến tình hình sản xuất, chế biến gỗ theo chủ trương được phê duyệt trên địa bàn tỉnh vào chiều 22/4.
Chỉ đạo này được đưa ra trong bối cảnh đa số dự án trên địa bàn tỉnh chỉ hoạt động với ngành nghề chính là chế biến dăm gỗ để xuất khẩu thô nên giá trị xuất khẩu không cao, dẫn đến giá thu mua gỗ keo nguyên liệu giảm.
Một số dự án triển khai chậm hoặc dừng hoạt động vì lý do khó khăn về việc tiếp cận đất đai, vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng; không thu mua được nguồn gỗ keo nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, gặp khó khăn về nguồn vốn vay…
Theo báo cáo của Sở Công Thương Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có 70 dự án đầu tư chế biến gỗ, dăm gỗ được cấp phép theo Luật Đầu tư, với tổng vốn hơn 3.000 tỷ đồng, trên diện tích 165ha, trong đó có 50 dự án đang hoạt động. Ngoài ra, còn có 14 dự án không thực hiện cấp phép theo Luật Đầu tư, với tổng vốn hơn 114 tỷ đồng. Hiện có 10/14 dự án đang hoạt động.
Năm 2021, tổng sản lượng dăm gỗ nguyên liệu giấy đạt gần 998 nghìn tấn, đạt 142,54% so với kế hoạch. Giá trị xuất khẩu dăm gỗ nguyên liệu giấy năm 2021 đạt 170,5 triệu USD, đạt 106,54% kế hoạch năm.
Hiện Quảng Ngãi có gần 120 nghìn ha rừng trồng sản xuất. Giai đoạn 2016 - 2020, diện tích khai thác rừng trồng trong quy hoạch lâm nghiệp khoảng 10 nghìn ha/năm. Sản lượng ước đạt khoảng 1 triệu tấn/năm, không đủ nguồn nguyên liệu để cung cấp cho tất cả nhà máy dăm gỗ đang hoạt động.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại quy mô, công nghệ, thiết bị của các nhà máy đang hoạt động trong lĩnh vực dăm gỗ; tham mưu UBND tỉnh xử lý nghiêm trường hợp thực hiện không đúng theo cam kết đầu tư.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn chỉnh đề án tạo mối liên kết giữa các hộ trồng keo với doanh nghiệp, trình UBND tỉnh vào cuối quý II/2022 để xem xét và ban hành.
Các địa phương cần tích cực vận động người dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất, thành lập những mô hình hợp tác xã lâm nghiệp ở địa phương để có vùng nguyên liệu lớn. Làm rõ trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý rừng và cấp chứng chỉ quản lý rừng FSC trên địa bàn tỉnh. Đây là nhiệm vụ quan trọng để phát triển rừng trồng sản xuất theo hướng bền vững.
Thực tế trong thời gian qua, các doanh nghiệp tại Quảng Ngãi chỉ chú trọng khai thác, chế biến dăm để xuất thô, chưa chú trọng đầu tư máy móc, công nghệ để chế biến sâu nhằm gia tăng lợi nhuận. Điều này đã dẫn đến những bất lợi cho người trồng keo và giảm giá trị kinh tế nói chung.