Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: Tăng cường chăm sóc sức khỏe cho công nhân, lao động

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh thiếu điều kiện về vật chất, thời gian, nhiều công nhân, lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp ở Quảng Ngãi còn chưa cập nhật được thông tin, kiến thức để tiếp cận những cơ sở y tế bảo đảm chất lượng.

Nhân ngày hội chăm sóc sức khỏe cho công nhân, người lao động năm 2022 do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Sở Y tế và Tỉnh đoàn Quảng Ngãi phối hợp tổ chức mới đây, chị Võ Thị Thanh Dung (42 tuổi) - công nhân Khu công nghiệp (KCN) VSIP Quảng Ngãi mới biết mình có một số bệnh về đặc thù công việc, tuy không nguy hiểm, nhưng cũng không thể chủ quan.

Ngày hội chăm sóc sức khỏe thanh niên công nhân, người lao động năm 2022 được tổ chức ở KCN VSIP Quảng Ngãi.
Ngày hội chăm sóc sức khỏe thanh niên công nhân, người lao động năm 2022 được tổ chức ở KCN VSIP Quảng Ngãi.

“Lâu nay cứ ngỡ mình khỏe mạnh, nhưng qua thăm khám, siêu âm, mới biết không phải vậy. Các bác sĩ đã tư vấn, hướng dẫn đi khám chuyên khoa để có hướng điều trị sớm”, chị Dung cho biết.

Cũng tham gia vào ngày hội chăm sóc sức khỏe, chị Ngô Thị Lâm Tuyền (34 tuổi) - công nhân KCN VSIP Quảng Ngãi bày tỏ: “Khám sức khỏe ở các cơ sở y tế mất nhiều thời gian, phải nghỉ làm, ảnh hưởng đến thu nhập. Bởi vậy nên khi công đoàn công ty phổ biến đợt triển khai khám, tư vấn sức khỏe thì tôi mới đăng ký, vừa tiện lợi, vừa được siêu âm, xét nghiệm và cấp thuốc miễn phí”.

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có trên 60.000 công nhân lao động ở Khu kinh tế Dung Quất và các KCN, trong đó tỷ lệ nữ chiếm khoảng 55%, tập trung các ngành nghề dệt may, da giày và chế biến thực phẩm...

Nữ công nhân làm việc trong KCN VSIP.
Nữ công nhân làm việc trong KCN VSIP.

Hầu hết công nhân, lao động tại đây di cư từ các vùng nông thôn đến tìm kiếm việc làm. Do đó, họ không có điều kiện sinh hoạt ổn định, thường phải ở các khu nhà trọ chật hẹp, không hợp vệ sinh. Mặt khác, do thời gian làm việc khắt khe, điều kiện kinh tế khó khăn nên ít có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, đời sống công nhân, lao động, để lại nhiều hậu quả đáng tiếc về sau này.

Một khu nhà trọ cho công nhân ở xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh.
Một khu nhà trọ cho công nhân ở xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh.

“Sau nhiều đợt tham gia khám, tư vấn sức khỏe cho công nhân, thấy một thực tế đáng lo ngại là hầu hết không ý thức tốt việc khám, chăm sóc sức khỏe, nên cơ thể bị suy nhược, rối loạn giấc ngủ khi tăng ca nhiều, viêm dạ dày và các triệu chứng hậu Covid-19. Do đó, rất cần nâng cao tuyên truyền, nhằm thay đổi nhận thức của công nhân, lao động về vấn đề này”, bác sỹ CK1 Nguyễn Văn Hậu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Hiển – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi, hàng năm, đơn vị đều phối hợp với Tỉnh đoàn, Sở Y tế tổ chức ngày hội khám, tư vấn sức khỏe để khám, tầm soát bệnh nghề nghiệp, tư vấn sức khỏe, tư vấn dinh dưỡng hậu Covid-19, siêu âm, xét nghiệm máu miễn phí, cấp thuốc điều trị một số bệnh thông thường cho công nhân, lao động.

Công nhân, lao động có nhu cầu được khám, tư vấn sức khỏe rất cao.
Công nhân, lao động có nhu cầu được khám, tư vấn sức khỏe rất cao.

“Thực tế cho thấy nhu cầu công nhân, lao động được khám, tư vấn sức khỏe rất cao, đây chính là trăn trở của tổ chức công đoàn. Việc chăm lo, bảo vệ sức khỏe người lao động không chỉ nâng cao năng suất lao động mà còn là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, thể hiện tính nhân đạo và nhân văn sâu sắc của doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thị Việt Hiển nói.

Cũng theo Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi, hiện các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang có nhu cầu tuyền dụng hơn 11 nghìn lao động, với đa dạng ngành nghề và vị trí việc làm.

"Đây là cơ hội rất lớn cho người lao động sau thời gian dài ảnh hưởng dịch Covid-19 tìm kiếm được vị trí việc làm phù hợp ở quê hương. Vì thế, việc chăm lo, bảo vệ sức khỏe của người lao động càng cần được chú trọng hơn", bà Nguyễn Thị Việt Hiển bày tỏ.