Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: Tập trung giải quyết việc làm cho lao động hồi hương

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người lao động ở Quảng Ngãi, trong đó bao gồm những người hồi hương từ các tỉnh phía nam do ảnh hưởng dịch Covid-19 có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm trong các khu công nghiệp ngay tại quê nhà.

Quảng Ngãi: Tập trung giải quyết việc làm cho lao động hồi hương - Ảnh 1
 Người lao động hồi hương từ các tỉnh phía Nam.

Hồi hương lúc TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách xã hội vào đầu tháng 9/2021, sau khi hoàn thành thời gian cách ly, Nguyễn Thanh T. (28 tuổi, quê xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) tìm kiếm việc làm ổn định tại quê.

Đầu tháng 11, T. được nhận vào làm tại một công ty ở Khu kinh tế Dung Quất với mức lương 10 triệu đồng/ tháng. “Đã có 4 năm làm công nhân ở TP Hồ Chí Minh, đợt trở về kiếm công việc ở quê để làm, gần cha mẹ, gần gia đình, không đi xa nữa”, T. chia sẻ.

Thực tế, tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh nói riêng của các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, lao động thất nghiệp ngày càng tăng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng tương đối lớn.

Tại Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, từ đầu tháng 9/2021 đến nay, đơn vị này đã tuyển dụng được 974 lao động, trong đó lao động Quảng Ngãi là 820 người, chiếm tỷ lệ 84% số lao động được tuyển dụng.

Quảng Ngãi: Tập trung giải quyết việc làm cho lao động hồi hương - Ảnh 2
 Từ nay đến cuối năm 2021, Hòa Phát - Dung Quất dự kiến tuyển dụng 515 lao động.
Từ nay đến hết năm, đơn vị này dự tính tuyển dụng 515 lao động bằng hình thức phỏng vấn trực tuyến và trực tiếp; phối hợp với các cơ quan chức năng thông tin rộng rãi nhằm kết nối, tạo việc làm cho người lao động từ vùng dịch các tỉnh, thành phố phía nam về; đồng thời ưu tiên tuyển dụng bộ đội xuất ngũ, lao động là người địa phương.
Ông Đỗ Tiến Tân - Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận cả chục ngàn người dân từ các vùng dịch phía nam trở về quê. Thực hiện chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đơn vị đã hướng dẫn các địa phương rà soát thống kê, tổng hợp báo cáo, xây dựng kế hoạch, kinh phí thực hiện hỗ trợ thu thập thông tin để tư vấn giới thiệu việc làm cho 2.390 lao động Quảng Ngãi làm việc ở các tỉnh phía Nam trở về do ảnh hưởng của dịch Covid-19 có nhu cầu tìm kiếm việc làm tại tỉnh.
“Dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp nên việc trở lại nơi cũ để làm việc của người lao động còn nhiều trở ngại, đồng thời, nhiều người sau khi hồi hương cũng có nguyện vọng tìm kiếm việc làm ổn định. Bài toán giải quyết việc làm cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết”, ông Tân nói.
Quảng Ngãi: Tập trung giải quyết việc làm cho lao động hồi hương - Ảnh 3
 Ông Đỗ Tiến Tân - Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Quảng Ngãi hướng dẫn cách tra cứu thông tin tuyển dụng lao động và tham gia sàn giao dịch trực tuyến.
Tuy nhiên, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, không thể tập trung đông người, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức kết nối cung - cầu lao động bằng hình thức trực tiếp gặp nhiều khó khăn. Do đó, thay vì tổ chức trực tiếp, đơn vị này chuyển đổi sang hình thức làm trực tuyến.
“Trung tâm đã thực hiện 7 sàn giao dịch trực tuyến để người lao động tìm kiếm việc làm. Qua các sàn này, người lao động và doanh nghiệp có thể tham gia phỏng vấn về vị trí việc làm”, ông Đỗ Tiến Tân cho hay.
Tính đến hết tháng 10/2021, đơn vị này đã thu thập thông tin 3.720 người tìm việc; 14.967 thông tin chỗ làm việc trống; tư vấn, giới thiệu kết nối 1.530 người lao động cho doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, trong đó có 200 lao động trở về từ vùng dịch Covid-19.
Từ nay đến cuối năm 2021, người lao động tại Quảng Ngãi, bao gồm lao động trở về từ các tỉnh phía nam có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm tại Quảng Ngãi. Cụ thể, KKT Dung Quất, các khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi, Tịnh Phong, Quảng Phú cần tuyển dụng khoảng 6.700 lao động; trong đó lao động có trình độ đại học, cao đẳng 424 người, trung cấp nghề 1.213 người và lao động phổ thông 4.994 người.
“Một lượng lớn người lao động từ các tỉnh phía nam trở về Quảng Ngãi và có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp tại tỉnh lại có nhu cầu tuyển dụng. Đây là cơ hội lớn để người lao động ly nông, không ly hương; doanh nghiệp cũng có cơ hội tuyển dụng đủ lao động để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Tân chia sẻ.

Hiện tại, Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục củng cố, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy công năng các ứng dụng mạng xã hội, trang thông tin điện tử của Trung tâm và phần mềm ứng dụng để phục vụ tốt nhiệm vụ được giao dưới hình thức trực tuyến.

 

Bên cạnh đó, tích cực khai thác thông tin thị trường lao động, kịp thời nắm bắt thông tin tình hình lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn để có kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghề nghiệp và doanh nghiệp để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, kết nối cung cầu lao động và sàn giao dịch việc làm.