Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: Thiếu đất sản xuất, dân chê khu tái định cư

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thiếu đất sản xuất, không ít người dân vùng núi Quảng Ngãi đã rời khỏi khu tái định cư quay trở về làng cũ - nơi họ từng được di dời vì thường xuyên xảy ra sạt lở.

Khu tái định cư Gò Nổi ở thôn Tây (xã Trà Sơn) là nơi huyện Trà Bồng bố trí tái định cư cho 59 hộ dân vùng có nguy cơ sạt lở cao ở thôn Tây, xã Trà Sơn. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn về sinh sống ở khu tái cư, nhiều hộ dân đã lần lượt rời đi, trở về nơi ở cũ, để lại những căn nhà trống không.

Quảng Ngãi: Thiếu đất sản xuất, dân chê khu tái định cư - Ảnh 1

Nhà bỏ không trong khu tái định cư.

"Nơi này được đầu tư có đường, có điện nhưng không có đất làm ăn nên dân họ không xuống ở, họ về làng cũ để gần chỗ đất làm ăn hơn” - ông Hồ Văn Ký (thôn Tây) cho hay.

Bỏ hoang nhiều năm, hầu hết những ngôi nhà vắng chủ trong khu tái định cư Gò Nổi đều xuống cấp trầm trọng, cỏ dại mục xung quanh sân vườn. Nền móng sụt lún, hư hỏng, tường đầy những vết loang lổ, rêu phủ. Nhiều nhà không còn cửa và không còn mái để che mưa nắng. Thậm chí, nhiều ngôi nhà biến thành chuồng bò của các hộ dân lân cận.

“Lâu lâu họ mới xuống đây dọn dẹp, nhà không ở nên cũng hư hết” - ông Hồ Văn Khương (thôn Tây) cho biết.

Một căn nhà trống không, đầy chất thải gia súc.
Một căn nhà trống không, đầy chất thải gia súc.

Thôn Tây (xã Trà Sơn) có nhiều điểm sạt lở, đe dọa đời sống của nhiều hộ dân. Khu tái định cư Gò Nổi (tổ 2, thôn Tây) được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng năm 2015 nhằm tái định cư cho các hộ dân vùng sạt lở ở thôn 1, thôn 2 và thôn 3.

Khu tái định cư Gò Nổi được đưa vào sử dụng năm 2015.
Khu tái định cư Gò Nổi được đưa vào sử dụng năm 2015.

Khu tái định cư Gò Nổi được huyện Trà Bồng đầu tư xây dựng với tổng kinh phí hơn 9 tỷ đồng, gồm đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, nước, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng… đảm bảo phục vụ tốt đời sống dân trí, dân sinh.

Sau khi khu tái định cư hoàn thành đã có gần 100% số hộ dân thuộc vùng sạt lở nguy hiểm chuyển đến sinh sống. Tuy nhiên, hiện nay, trong tổng số 59 hộ được tái định cư ở đây thì đã có đến 24 hộ quay lại nơi ở cũ.

Theo ông Hồ Văn Phong - Chủ tịch UBND xã Trà Sơn, thôn Tây là một trong những khu vực đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn nhất ở xã Trà Sơn. Người dân tộc Cor ở đây hầu hết làm lâm nghiệp, thu nhập bấp bênh.

Trụ sở UBND xã Trà Sơn.
Trụ sở UBND xã Trà Sơn.

Trước tình trạng người dân bỏ tái định cư, chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền vận động nhưng vẫn không “giữ chân” được người dân. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho các hộ dân, mỗi khi mưa bão, chính quyền địa phương phải lên vận động người dân xuống khu tái định cư để tránh trú.

“Nguyên nhân chính khiến cho các hộ dân rời bỏ khu tái định cư về nơi ở cũ là do thiếu đất sản xuất. Hơn nữa, vị trí khu tái định cư cách khu vực sản xuất của họ khoảng 5km nên người dân đi làm rẫy khó khăn” - ông Phong lý giải.

Thiếu đất sản xuất, nơi ở cách xa nơi sản xuất được cho là nguyên nhân khiến người dân rời bỏ khu tái định cư.
Thiếu đất sản xuất, nơi ở cách xa nơi sản xuất được cho là nguyên nhân khiến người dân rời bỏ khu tái định cư.

Với thực trạng như hiện nay, để khỏi lãng phí cơ sở vật chất, nhà cửa đã đầu tư cho người dân, việc tìm kiếm giải pháp giúp người dân ổn định cuộc sống, phù hợp với điều kiện sản xuất để họ an tâm gắn bó lâu dài tại khu tái định cư Gò Nổi đang là vấn đề đặt ra cho chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan.