Quảng Ngãi: Thu tiền tỷ từ phiên mực xà đầu năm

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau chuyến biển câu mực xà đầu tiên của năm 2023 kéo dài đến 3 tháng, ngư dân rất phấn khởi vì thu về khoản lợi nhuận lớn.

Gần 90 ngày lênh đênh trên biển, tàu QNg-95456 TS của ông Nguyễn Tự (xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) trở về cửa biển Sa Cần mang theo trên 20 tấn mực xà khô.

Tàu câu mực của ngư dân Bình Chánh.
Tàu câu mực của ngư dân Bình Chánh.

“Từng này mực bán ra hơn 3 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi thuyền viên cũng có thu nhập từ 70- 120 triệu đồng. Đợt này mực đang được giá, khoảng 174.000 đồng/kg” - ông Tự nói.

Theo ông Tự, tàu của ông có 21 thuyền viên, xuất bến chuyến đầu tiên của năm 2023 từ tháng 2 để câu mực xà tại các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Một năm, ông Tự đi được 3 chuyến, mỗi chuyến kéo dài 2 - 3 tháng. 

Thường trên tàu câu mực xà có khá đông ngư dân. Sau khi ra khơi, ban đêm, một chiếc “tàu mẹ” thả vài chục thúng xuống biển. Trên mỗi thúng có một thợ câu. Người nào câu được nhiều mực thì có nhiều tiền. Hàng ngày, các ngư dân cũng phân công nhau để lột mực, phơi khô ngay trên biển.

“Đợt này tôi câu hơn 1 tấn mực, trừ chi phí cho chủ tàu thì thu được trên 100 triệu đồng” - ngư dân Nguyễn Thanh Tiên (xã Bình Chánh) chia sẻ.

Ngoài tàu của ông Tự, các tàu câu mực của ngư dân Bình Chánh cũng đang lần lượt trở về bờ sau thời gian dài khai thác trên biển. Chuyến khai thác đầu năm sản lượng cao, giá bán từ 170.000 đồng - 180.000 đồng/kg khiến họ rất phấn khởi.

Ở Quảng Ngãi, khai thác mực xà là nghề truyền thống của ngư dân huyện Bình Sơn, tập trung ở xã Bình Chánh.
Ở Quảng Ngãi, khai thác mực xà là nghề truyền thống của ngư dân huyện Bình Sơn, tập trung ở xã Bình Chánh.

Nghề câu mực xà xuất hiện từ những năm 1990. Lúc đầu phương tiện đánh bắt còn nhỏ, sản lượng đánh bắt và hiệu quả sản xuất còn thấp, nay đã có cải thiện. Ngư dân câu mực xà thường hành nghề cách bờ hơn 150 hải lý với độ sâu trên 800m nước. Tại Quảng Ngãi, khai thác mực xà là nghề truyền thống của ngư dân huyện Bình Sơn, tập trung ở xã Bình Chánh.

Ông Nguyễn Tiến Pháo - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh cho hay, toàn xã có 131 tàu cá, chủ yếu hành nghề câu mực xà tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa với sản lượng bình quân mỗi năm 4.000 tấn.

Mực xà sau khi khai thác được đưa về 4 kho thu mua để sơ chế, xuất bán. Từ các kho này, mực xà của ngư dân xã Bình Chánh đưa đi tiêu thụ nhiều nơi, đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc và Thái Lan.

Cơ sở thu mua mực xà.
Cơ sở thu mua mực xà.

“Hiện nay, các kho thu mua của địa phương đều ứng dụng công nghệ trữ đông, sản phẩm mực khô giữ được lâu, không bị hư hỏng, mốc. Đợt này có nguồn thu mua và giá ổn định, chi phí lại giảm nên ngư dân có lợi nhuận cao” - ông Pháo nói.

Mực xà có đuôi màu đen sậm, dày, xòe to như đuôi cá, sau khi phơi khô có vị hơi đắng, không ngon, ngọt và mềm như loại mực khô thông thường. Mực xà ăn được, nhưng không ngon (vị hơi chát, cứng, khó nhai), nên trước khi sử dụng phải qua chế biến. Mực xà của ngư dân xã Bình Chánh thường được xuất thô.

Mực xà Bình Chánh được tiêu thụ nhiều ở Trung Quốc.
Mực xà Bình Chánh được tiêu thụ nhiều ở Trung Quốc.

Năm 2019, phía Trung Quốc chỉ chấp nhận tiêu thụ qua đường chính ngạch khiến hàng nghìn tấn mực khô bị tồn đọng, ngư dân và các cơ sở thu mua mực khô gặp nhiều khó khăn.

Năm 2020, Quảng Ngãi đầu tư thực hiện dự án: “Thực nghiệm mô hình chế biến mực xà tại huyện Bình Sơn”. Đặc biệt, dự án đi sâu nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ xử lý và chế biến thực phẩm có giá trị gia tăng từ mực xà với các sản phẩm như: Chà bông mực, chả mực quế, xúc xích mực, mực nhồi quế, nước mắm nguyên chất mực từ phụ phẩm mực xà, mực xé tẩm (sản phẩm phụ từ quá trình chế biến chà bông mực)…

Qua đó, xây dựng mới quy trình xử lý nguyên liệu và chế biến mực xà, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo cơ hội cho mực xà Quảng Ngãi vươn xa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần