Quá nửa diện tích bị khảm lá sắn tấn công
Niên vụ sắn 2020 - 2021, toàn tỉnh Quảng Ngãi sản xuất trên 15.600ha. Tuy nhiên, theo thống kê từ các địa phương, có đến hơn 53% diện tích bị nhiễm bệnh (khoảng 8.300ha). Bệnh gây hại phổ biến trên tất cả các giống sắn ở các vùng trồng trên địa bàn tỉnh.
Ông Từ Văn Khánh - Chủ tịch Hội nông dân huyện Nghĩa Hành cho biết: “Niên vụ 2020 - 2021, toàn huyện có 732ha trồng sắn, trong đó có khoảng 70% diện tích bị bệnh khảm lá, một số diện tích bị khá nặng, làm giảm sản lượng khi thu hoạch”.
Thời gian qua, nhiều địa phương của tỉnh Quảng Ngãi, nhất là các huyện như: Sơn Tịnh, Bình Sơn, Minh Long, Sơn Hà, Trà Bồng và Ba Tơ đang phát triển mạnh cây sắn, xem đây là một trong những cây trồng cho thu nhập cao của người nông dân. So với các cây trồng khác, sắn chiếm ưu thế hơn nhờ giá cả, thị trường tiêu thụ tương đối ổn định, tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng.
Mặc dù vậy, liên tiếp nhiều niên vụ, tình hình dịch khảm virus hại sắn diễn biến phức tạp, lây lan nhanh thông qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn và qua hom giống vụ trước để lại, nguy cơ gây ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cây trồng này.
Hầu hết các địa phương đều bị khảm lá hoành hành, trong đó, Sơn Hà là huyện có diện tích sắn nhiều nhất tỉnh, chiếm trên 45% diện tích sắn toàn tỉnh; đồng thời cũng là địa phương ghi nhận diện tích sắn niên vụ 2020 - 2021 bị nhiệm bệnh cao nhất, lên đến gần 93%.
Theo các cơ quan chuyên môn, bệnh virus khảm lá sắn làm giảm năng suất và chất lượng tinh bột, các ruộng sắn bị bệnh gây hại nặng ngay từ giai đoạn cây con sẽ gây mất trắng, không cho thu hoạch.
Qua ước tính, mức thiệt hại chung về năng suất ở các vùng sắn bị nhiễm bệnh ở Quảng Ngãi từ 20 - 30%, tương ứng với sản lượng sắn sụt giảm do bệnh gây ra ở niên vụ 2019 - 2020 khoảng 23.244 tấn (tương đương 56 tỷ đồng), con số này ở niên vụ 2020 - 2021 khoảng 40. 6180 tấn (tương đương 97 tỷ đồng).
Thực tế, việc phòng, chống bệnh khảm lá sắn ở các địa phương tại Quảng Ngãi gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các huyện miền núi. Do nhận thức và phương thức sản xuất còn nhiều hạn chế, nông dân sử dụng hom giống trên những ruộng đã bị nhiễm bệnh để trồng lại, trong khi phần lớn diện tích trồng sắn là đất đồi núi, nghèo dinh dưỡng, khô hạn, không được đầu tư chăm sóc nên sắn càng nhiễm bệnh nặng hơn.
Trong khi đó, việc tìm nguồn giống sắn kháng bệnh, sạch bệnh để sản xuất hiện nay là rất khan hiếm, theo như các địa phương là “có tiền cũng không mua được”. Bởi, hiện nay các tỉnh, thành trồng sắn đều nhiễm bệnh tương tự. Dự kiến niên vụ 2021 - 2022, toàn tỉnh xuống giống hơn 13.800ha sắn. Tuy nhiên, khả năng tự cung ứng nguồn giống tại chỗ chỉ được khoảng 2.500ha, với diện tích 11.300ha còn lại cần khoảng 135 triệu hom giống.
Tìm giải pháp hợp lý
Sắn là một trong các loại cây lương thực đã trở thành cây trồng chính lâu năm trên đất Quảng Ngãi, có khả năng chịu hạn, tương đối thích nghi trên chân đất nghèo dinh dưỡng, không chủ động nước tưới.
Ðặc biệt, đối với đồng bào các huyện miền núi, cùng với cây keo, cây sắn được xem là cây giảm nghèo có hiệu quả. Tuy nhiên, trước tình hình bệnh khảm lá diễn biến phức tạp, nhiều địa phương cho rằng, cần phải thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng trên diện tích cây sắn.
“Bệnh khảm lá xuất hiện đã vài năm rồi. Hội cũng đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi sang các cây trồng phù hợp, nhất là trồng ngô sinh khối. Hiện Nghĩa Hành đang phát triển mạnh diện tích trồng ngô sinh khối và mang lại hiệu quả cao”, ông Từ Văn Khánh - Chủ tịch Hội nông dân huyện Nghĩa Hành cho hay.
Đối với huyện miền núi, địa hình phức tạp, việc chuyển đổi cây trồng cũng là cần thiết nhằm giúp người dân phát triển kinh tế.
“Nhiều xã như Sơn Trung, Sơn Cao liên tiếp nhiều năm có diện tích sắn nhiễm bệnh khảm lá rất cao. Chúng tôi đã tuyên truyền vận động chuyển sang trồng ngô sinh khối, đối với vùng gặp khó khăn về nước tưới thì có thể chuyển sang trồng cây mè (vừng)”, ông Phùng Tô Long - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết.
Theo ông Long, qua thực tế, các loại cây chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn 50% so với cây sắn. Đối với diện tích chỉ phù hợp với cây sắn, không thể chuyển đổi, cần đưa các giống mới kháng bệnh virus khảm lá vào sản xuất trong vụ tới, tăng cường các biện pháp chăm sóc để hạn chế bệnh virus khảm lá.
Tại cuộc họp bàn các giải pháp phòng, chống bệnh virus khảm lá sắn mới đây, ông Trần Phước Hiền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường các giải pháp trước mắt như tuyên truyền, vận động; tập huấn, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ bệnh có hiệu quả; đẩy mạnh việc chăm sóc, bón phân, tưới nước để cây tăng sức đề kháng và giảm thiệt hại về năng suất.
Về lâu dài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương liên hệ với các đơn vị nghiên cứu về giống, tìm nguồn hom giống kháng bệnh, sạch bệnh, có khả năng thích ứng trên địa bàn tỉnh để tạo nguồn giống tổ chức sản xuất, ổn định nguồn nguyên liệu, trong đó ưu tiên cho các vùng sắn trên địa bàn các huyện miền núi.
“Tại những vùng sắn đã bị nhiễm bệnh nặng nhưng có điều kiện về nước tưới, các địa phương rà soát, hướng dẫn nông dân chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế như ngô sinh khối, mè, rau, đậu các loại. Tại các vùng chân đất nghèo dinh dưỡng, không chủ động nước tưới có thể không trồng sắn ít nhất 1 vụ để cắt nguồn bệnh, giảm áp lực về nhu cầu giống sắn sạch bệnh”, ông Hiền yêu cầu.