Những bước đi ban đầu
5 năm trước, vợ chồng ông Cao Văn Thanh bắt đầu nuôi cá trong lòng hồ chứa Nước Trong (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi). Được sự hỗ trợ từ nhà nước, cá lăng và cá diêu hồng nuôi lồng của gia đình ông phát triển tốt, được thị trường ưa chuộng.
“Tầm 1 năm là có thể xuất bán, chủ yếu là cho các nhà hàng, quán ăn hoặc cho khách du lịch. Cũng có giai đoạn doanh nghiệp họ đặt mua nhưng sản lượng lớn quá, mình nuôi không nổi”, bà Phạm Thị Mân (vợ ông Thanh) chia sẻ.
Tại hồ chứa nước Nước Trong, ngoài nguồn lợi thủy sản tự nhiên dồi dào, thì chính quyền địa phương, Chi cục Thủy sản tỉnh triển khai thí điểm mô hình nuôi cá lăng và cá diêu hồng trong lồng bè. Thông qua hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại và Dịch vụ Hiệp Phát (Sơn Hà), nhiều người trong và ngoài tỉnh đặt hàng tiêu thụ nên đầu ra và giá bán ổn định, người dân có thu nhập khá.
Tại hồ chứa nước Núi Ngang (huyện Ba Tơ), mô hình nuôi thủy sản cũng đang phát triển mạnh.
Năm 2016, khi địa phương thành lập tổ hợp tác, gồm 45 hộ dân người đồng bào H’re ở 2 thôn Hương Chiên và Đá Chát (xã Ba Liên), việc chăm sóc, khai thác cá tại lòng hồ bắt đầu phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả.
Hàng năm, để tạo nguồn lợi thủy sản cho hồ chứa nước, mỗi thành viên của tổ hợp tác cùng đóng góp từ 1,5 - 2 triệu đồng để mua các loại cá giống như cá mè, chép, trắm cỏ... thả xuống lòng hồ vào dịp đầu xuân.
Sau khi thả cá, mọi người lại cùng chung tay bảo vệ, quản lý hồ, nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi đánh bắt cá trong lòng hồ bằng các hình thức hủy diệt. Đến tháng 8, các thành viên của tổ hợp tác cùng nhau bước vào mùa thu hoạch.
Quảng Ngãi có diện tích mặt nước hồ chứa thủy lợi, thủy điện, hồ chứa tự nhiên khá lớn, rải rác ở các huyện, thị xã và thành phố. Trên địa bàn tỉnh hiện có 124 hồ chứa thủy lợi được phân bố ở 11/13 huyện, thị xã; theo phân loại hồ chứa có 25 hồ chứa nước lớn, 36 hồ chứa nước vừa và 63 hồ chứa nước nhỏ.
Hàng năm, có khoảng 940ha nuôi thủy sản nước ngọt, trong đó khoảng 800ha nuôi thuỷ sản hồ chứa, còn lại là nuôi ao hồ nhỏ, sản lượng thủy sản nuôi từ các hồ chứa với số liệu thống kê từ các địa phương là khoảng 1.700 tấn/năm.
Bên cạnh đó, một số người nuôi còn tận dụng được lợi thế từ nguồn mặt nước dồi dào của các hồ chứa để phát triển theo hướng nuôi trồng kết hợp với các hoạt động dịch vụ, du lịch vừa đảm bảo được sự phát triển bền vững môi trường sinh thái ở các hồ chứa vừa mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho người dân.
Mặc dù vậy, việc nuôi thủy sản trên hồ chứa vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: nuôi manh mún, nhỏ lẻ, việc quản lý bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trong hồ chưa hợp lý.
Người dân địa phương đa phần là các vùng núi, kinh tế khó khăn nên khả năng đầu tư sản xuất thấp, chưa có sự đầu tư đồng loạt, chưa tận dụng, khai thác hết tiềm năng, lợi thế mặt nước và diện tích hiện có một cách hiệu quả, bền vững.
Hướng tới phát triển rộng mô hình
Phong trào nuôi cá nước ngọt trong lòng hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện đã mở ra hướng thoát nghèo, tạo công ăn việc làm và thu nhập đáng kể cho người dân, đặc biệt là người dân miền núi và vùng đặc biệt khó khăn.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh này, góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ nuôi thủy sản lồng bè trên sông, lòng hồ chứa thủy lợi, thủy điện tỉnh, giai đoạn 2022 - 2024.
Theo kế hoạch này, tỉnh sẽ hỗ trợ đầu tư lồng nuôi thủy sản bằng vật liệu mới, với tổng thể tích 1.870m3 trên các hồ chứa thủy lợi và 1.600m3 trên các hồ chứa thủy điện; hỗ trợ người dân chi phí vật tư đầu vào gồm con giống, thức ăn cho 1 vụ nuôi...
Qua đó, tạo công ăn việc làm cho khoảng 1.000 lao động; phổ biến kiến thức về nuôi thủy sản nước ngọt đến 100% cá nhân, tổ chức tham gia nuôi thủy sản tại hồ chứa nước và 50% người dân trong vùng nuôi trồng.
Năm 2023, UBND tỉnh bố trí khoảng 3 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nuôi cá nước ngọt trên sông và các hồ chứa. Đến nay, đã triển khai hỗ trợ làm lồng nuôi và con giống cho các tổ chức, cá nhân nuôi thủy sản ở các hồ Nước Trong (Sơn Hà), Liệt Sơn (thị xã Đức Phổ).
Đáng chú ý, mới đây nhất, UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt kế hoạch hỗ trợ phát triển nuôi thủy sản quảng canh trong lòng hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030.
Dự kiến, tổng nhu cầu vốn để phục vụ phát trển nuôi thủy sản quảng canh trong lòng hồ chứa thủy lợi, thủy điện đến 2030 là 16,8 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ 6,3 tỷ đồng, chiếm 32,5%, còn lại là vốn của người dân).
Hàng năm ngân sách nhà nước hỗ trợ từ 5 - 10 hồ, đập (tuỳ thuộc vào số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ chức cộng đồng được cộng nhận, giao quyền quản lý nguồn lợi thuỷ sản hoặc được cấp phép nuôi trồng thuỷ sản), với kinh phí từ 700 – 800 triệu đồng.
Đáng chú ý, Quảng Ngãi cũng sẽ tích cực quảng bá sản phẩm ra ngoài tỉnh thông qua việc tham gia hội chợ, triển lãm, tìm cách tiếp cận các doanh nghiệp thu mua thuỷ sản để cung cấp sản phẩm ra thị trường ngoại tỉnh, hướng tới xuất khẩu, nhất là các đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá chình, cá thát lát...