Công nhân Điện lực kiểm tra hệ thống đường dây điện tại huyện Minh Long. |
Đơn cử là tại thôn Làng Bưng, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Đây được xem như “vùng lõm” ít được đầu tư. Hàng chục năm qua, gần 80 hộ đồng bào Hre nơi đây mòn mỏi chờ đợi ngày được sử dụng điện lưới quốc gia. Đúng dịp Tết nguyên đán năm 2020, 2 trạm biến áp và gần 1.500 mét đường dây hạ áp với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng được lắp đặt đã “thắp sáng” cuộc sống nơi đây.
Từ khi điện được kéo về thôn, bản, đồng bào H’re ai cũng náo nức, phấn khởi. Ngày nào cũng vậy, họ đều tập trung rất đông, chăm chú theo dõi những thợ điện làm việc, thậm chí sẵn sàng hiến đất để công tác này được triển khai thuận lợi. Có điện, người dân trong thôn không ngại chi khoản tiền lớn mua sắm, trang bị nhiều vật dụng có giá trị. Từ chỗ đó, trình độ nhận thức của bà con ngày càng được nâng lên rõ rệt, nhờ nắm bắt kinh nghiệm qua thông tin đại chúng và áp dụng thành thạo vào thực tiễn sản xuất, tăng kinh tế nông hộ. Làng quê nghèo dần thay da đổi thịt.
Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ngãi Phan Vũ Đông Quân cho biết: “Tại những vùng sâu vùng xa, việc cấp điện mang ý nghĩa chính trị chứ không còn là kinh doanh. Với chính sách ưu đãi của Nhà nước ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, hải đảo và khu vực nông thôn nên việc cấp điện trong thời gian qua được huy động từ nhiều nguồn vốn: vốn đầu tư hàng năm của ngành điện, vốn ADB, vốn WB (RE1, RE2), DEP, KFW, vốn ngân sách nhà nước (dự án 2081),…đã đảm bảo cấp điện, xóa các vùng lõm và vùng cao chưa có điện hoặc điện yếu, nâng cao năng lực hạ tầng để xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Phan Vũ Đông Quân, trong thời gian tới, ngành điện sẽ tiếp tục rà soát, phối hợp với Sở Công Thương trong việc tiếp tục ưu tiên đầu tư cho các khu vực trên từ nguồn vốn ưu đãi, vốn ngân sách để ngày càng nâng cao chất lượng điện cho người dân vùng khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội.