70 năm giải phóng Thủ đô

Quảng Ngãi: Vướng mặt bằng, đường nội thành 15 năm dang dở

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Triển khai từ năm 2003, dự án đầu tư mở rộng đường Nguyễn Công Phương thuộc phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) đến nay vẫn chưa hoàn thành vì vướng đền bù, giải phóng mặt bằng.

Bức xúc kéo dài 
Năm 2008, sau khi cơ bản hoàn thành phần mặt đường, dự án đường Nguyễn Công Phương (giai đoạn 1) không thể tiếp tục thi công phần vỉa hè, cống thoát nước và các công trình phụ trợ khác, kéo dài hơn 10 năm chưa giải quyết xong. Đến nay, còn 47 trường hợp người dân khiếu nại về đền bù, giải phóng mặt bằng; trong đó có 19 trường hợp chưa nhận tiền đền bù, 28 trường hợp đã nhận tiền nhưng tiếp tục khiếu nại, số tiền chưa chi trả đền bù cho dân hơn 330 triệu đồng.
Người dân xả thẳng nước sinh hoạt ra đường.
Anh Nguyễn Đình Tuấn (trú tại số nhà 303 Nguyễn Công Phương) cho biết: “Gia đình tôi mua nhà từ năm 2000, có giấy tờ đàng hoàng. Sau khi đo đạc, thống nhất việc đền bù, chúng tôi lên nhận tiền thì được trả lời là nhà mới mua, chỉ đền bù cho chủ cũ, hoặc phải có giấy ủy quyền. Vợ chồng tôi lặn lội vào TP Hồ Chí Minh tìm được chủ cũ, ký giấy ủy quyền trở về, lại nhận được câu trả lời là không đền bù. Vì thế, chúng tôi không đồng ý việc giao đất làm vỉa hè, cống thoát nước. Cũng vì vậy mà mỗi khi có mưa lớn, đường ngập lênh láng, nước tràn vào nhà như ở ngoài đồng vậy”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dân (87 tuổi, trú tại số nhà 267 Nguyễn Công Phương) bức xúc: “Gia đình tôi mua đất làm nhà từ năm 1975, con đường khi đó chỉ 3m, không có vỉa hè, đất trong giấy tờ mua bán ra tận mép đường. Vậy mà khi đền bù, đơn vị đo đạc tính từ tim đường vào 5,5m, vậy là gia đình tôi bị tính thiếu hơn 10m2 đất. Vì không có cống thoát nước nên toàn bộ nước thải sinh hoạt của hàng trăm hộ dân ở đây xả thẳng ra đường, dơ bẩn và ô nhiễm quanh năm”.
Các hộ dân cũng cho biết, đã nhiều lần ý kiến, kiến nghị và có đơn thư gửi các cấp có thẩm quyền nhưng vụ việc cứ kéo dài, không được giải quyết.
Ông Nguyễn Văn Dân bày tỏ bức xúc vì diện tích bồi thường chưa thỏa đáng.
Ông Bùi Diệu - Chủ tịch UBND phường Nghĩa Lộ cho biết: Dự án đầu tư xây dựng đường Nguyễn Công Phương với tổng chiều dài toàn tuyến 2.043m, được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt cuối năm 2003. Đầu năm 2006, dự án bắt đầu triển khai giai đoạn I với chiều dài 1.215m (đoạn từ ngã năm cũ đến ngã năm mới).
uy nhiên, trên tuyến đường này có nhiều hộ dân sống lâu đời, mua bán, chia tách phức tạp, vì thế hồ sơ giấy tờ nhiều thiếu sót, phức tạp, cách áp dụng quy định trong đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, chồng chéo. Đơn vị tiến hành thủ tục thu hồi đất thực hiện dự án là Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng ngành giao thông vận tải Quảng Ngãi đề xuất, UBND tỉnh phê duyệt và giao UBND TP Quảng Ngãi ban hành 199 Quyết định thu hồi đất, Ban đền bù giải phóng mặt bằng (nay là Trung tâm phát triển quỹ đất Dung Quất) lập phương án điều chỉnh bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng.
Giải quyết theo hướng có lợi cho dân
Việc khiếu nại của các hộ dân thuộc dự án đường Nguyễn Công Phương kéo dài hàng chục năm vì tính toán sai, chồng chéo trong việc giải quyết, các đơn vị chia tách, sáp nhập, thay đổi chức năng nhiệm vụ. Cuối năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi có ý kiến chỉ đạo, giao cho Ban Quản lý các công trình giao thông tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND TP Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan rà soát, giải quyết kiến nghị liên quan đến 47 trường hợp khiếu nại để giải quyết dứt điểm.
Ông Hoàng Minh Thiện - Trưởng phòng dự án 2, Ban Quản lý các công trình giao thông (Sở GTVT) cho biết: “Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban quản lý các công trình giao thông tỉnh đã tích cực thu thập, tìm hiểu số liệu, phối hợp với các đơn vị liên quan nhiều lần họp bàn biện pháp giải quyết dứt điểm. Việc khiếu nại của 47 hộ dân bao gồm 2 nội dung chính là yêu cầu bồi thường về đất ra đến vạch 5,5m và cây cối, vật kiến trúc trên đất; yêu cầu tăng tỷ lệ bồi thường vật kiến trúc từ 20% lên 100% và giao đất tái định cư”.
Ý kiến đánh giá chung của các cơ quan liên quan và UBND TP Quảng Ngãi cho rằng: Hiện nay, các quy định của pháp luật đã khá rõ ràng và thống nhất về nguyên tắc xử lý những vướng mắc, sai sót trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng trước đây, dẫn đến quyền lợi của người dân bị thiệt thòi, thì phải áp dụng các quy định hiện hành để giải quyết theo hướng có lợi hơn cho người dân.
Sau 15 năm, nhiều hạng mục phụ trợ của đường Nguyễn Công Phương vẫn chưa được thực hiện.
Ông Hoàng Hà Việt Phương - Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi khẳng định: “Lần này, UBND tỉnh giao cho sSở chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền TP rà soát và đề xuất biện pháp giải quyết dứt điểm, không để xảy ra tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, khiếu nại đông người tiếp tục kéo dài”.
Cùng quan điểm với Giám đốc Sở GTVT, ông Phạm Tấn Hoàng - Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi nhấn mạnh: “Người dân đã nhường một phần đất để mở đường, những thiếu sót, việc áp dụng quy định pháp luật về đền bù, giải phóng mặt bằng không phù hợp, không đúng cần được điều chỉnh lại, theo hướng có lợi cho dân”.
Cũng theo ông Phạm Tấn Hoàng, không nên phân chia đất ở ổn định lâu năm hay đất chuyển nhượng, mà nên căn cứ tính pháp lý của lô đất, của việc chuyển nhượng. Nếu pháp lý đầy đủ, rõ ràng thì nên bảo đảm quyền lợi công bằng, minh bạch như nhau, có vậy mọi việc sẽ nhanh chóng được giải quyết. Và khi đền bù, giải tỏa xong để làm cống thoát nước, vỉa hè, điện chiến sáng… cũng là giải quyết cho TP Quảng Ngãi điểm nóng về ô nhiễm nước thải, về ngập lụt thường xuyên ngay khu vực trung tâm TP.
“Chúng tôi tạo điều kiện tối đa đến cơ quan chức năng thu thập hồ sơ, số liệu và bàn biện pháp giải quyết trong thời gian sớm nhất, rất mong lãnh đạo tỉnh xem xét, bố trí vốn và lập phương án bồi thường trong thời gian sớm nhất”, ông Phạm Tấn Hoàng cho biết.
Theo ông Hoàng Minh Thiện - Trưởng phòng dự án 2, Ban Quản lý các công trình giao thông, việc rà soát, nghiên cứu hồ sơ tài liệu liên quan nội dung khiếu nại của 47 hộ dân thuộc dự án mở rộng đường Nguyễn Công Phương giai đoạn I cơ bản hoàn tất từ cuối năm 2018.
Do đó, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cần sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng thống nhất lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng điều chỉnh bổ sung, tiến hành chi trả và thực hiện các phần việc còn lại, góp phần an dân, tạo mỹ quan đô thị, giải quyết dứt điểm việc khiếu nại kéo dài gần 15 năm của người dân.