Quảng Ngãi: Xâm lấn trái phép danh thắng Ba Làng An

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong suốt thời gian dài, khu vực danh thắng Ba Làng An (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bị đào bới, xâm hại để xây dựng các hàng quán mà vẫn không được cơ quan chức năng xử lý, chấn chỉnh.

Bị xâm lấn và tàn phá nghiêm trọng

Nằm cách trung tâm TP Quảng Ngãi 25km về phía Đông Bắc, thắng cảnh Ba Làng An (còn có tên gọi khác là Ba Tân Gân - tên thời chống Pháp) là nơi nức tiếng gần xa bởi vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc.

Một góc thắng cảnh Ba Làng An.
Một góc thắng cảnh Ba Làng An.

Theo các nhà nghiên cứu, Ba Làng An được ví như “Lý Sơn trong đất liền” bởi vẻ đẹp của những tảng đá núi lửa kéo dài và mang 3 giá trị lớn là văn hóa, địa chất và lịch sử.

Thời xưa, ở đây có 3 làng cùng tên là An: An Hải (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), An Vĩnh, An Kỳ (xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi). Mũi Ba Làng An là một dãy núi từ vùng đất đỏ bazan đâm ngang ra biển thành 3 mũi đá gọi là mõm Lò ở phía Nam, mõm Đông ở phía Tây và mõm Đèn ở phía Bắc.

Các mõm liên kết nhau tạo thành một khối quần sơn hình vòng cung, lưng dựa vào đất liền. Dưới chân khối quần sơn này là dải đá kéo dài hàng trăm mét cách bờ. Trên bờ biển thuộc thắng cảnh mũi Ba Làng An là vùng đồi – gò thoải cũng được hình thành trên phún trào bazan.

Nơi đây còn được tô điểm thêm bằng kiến trúc tháp Hải Đăng (đèn biển Ba Làng An), do người Pháp xây dựng lần đầu tiên vào những năm 80 của thế kỷ 19 trên mặt bằng đỉnh núi phía Bắc. Đồng thời, khu vực này có hệ sinh thái đa dạng phong phú với nhiều loại sinh vật biển như cá, tôm, cua, mực, ốc… đặc biệt là bào ngư, ốc vú nàng, cá tà ma.

Hàng quán kiên cố được xây dựng ở khu vực Ba Làng An.
Hàng quán kiên cố được xây dựng ở khu vực Ba Làng An.

Thế nhưng, trong vài năm gần đây, khu vực Ba Làng An đang bị xâm lấn và tàn phá nghiêm trọng. Một số hộ dân phá núi, phá rừng phòng hộ để xây kè, mở quán kinh doanh dịch vụ ăn uống. Thậm chí, mặc dù các hộ xây dựng trái phép đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn không dỡ bỏ công trình mà còn tiếp tục xây dựng rộng hơn. 

“Hàng quán xây dựng từ chục năm rồi, trước kia chỉ có 1 quán làm lụp xụp nhưng sau đó xây dựng 3 quán với quy mô lớn, đào núi làm đường bê tông. Thời gian mới làm địa phương có thông báo cấm, nhưng sau rồi họ vẫn làm”, ông Tiêu Viết Chim (thôn Phú Qúy, xã Bình Châu) cho biết.

Núi bị đào bới nham nhở.
Núi bị đào bới nham nhở.

Trước đó, vào tháng 7/2020, dư luận cũng đã bày tỏ bức xúc trước việc thắng cảnh Ba Làng An bị lấn chiếm, xâm hại. Vào thời điểm trên, UBND huyện Bình Sơn đã tổ chức kiểm tra, xử lý các hộ dân tự ý lấn chiếm, xâm hại danh thắng để xây kè, mở quán bán ăn, làm dịch vụ tại đây. Tuy nhiên, theo người dân, đến nay tình trạng này không những không được khắc phục mà còn tiếp diễn với mức độ nghiêm trọng hơn.

Không để trở thành "điểm nóng"

Qua tìm hiểu được biết, ngày 25/10/1993, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Quyết định về việc bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh Ba Làng An ở thôn Phú Qúy, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Quyết định này nêu rõ: Nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng nhà cửa, sản xuất và các hành động có tính chất xâm phạm phá hoại đến khu vực bảo vệ của di tích. Trường hợp đặc biệt cần sử dụng đất đai ở các di tích trên phải được phép của Chủ tịch UBND tỉnh.

Các công trình lấn sát ra bờ biển, lấp cả bãi đá Ba Làng An vốn là di sản địa chất hiếm có
Các công trình lấn sát ra bờ biển, lấp cả bãi đá Ba Làng An vốn là di sản địa chất hiếm có

Thế nhưng, tình trạng người dân tự ý xâm lấn, đầu tư, xây dựng các công trình trái phép ở Ba Làng An lại diễn ra mà không được xử lý triệt để.

Theo ông Phạm Quang Sự - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, trong bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích bị lệch qua một bên, nên một số trường hợp xây dựng hàng quán trái phép ở thắng cảnh Ba Làng An là vi phạm trên lĩnh vực đất đai. UBND huyện Bình Sơn tiếp tục kiểm tra và có báo cáo về sự việc này.

Trong khi đó, theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, thắng cảnh Ba Làng An đang bị xâm hại nghiêm trọng ở ngay vùng lõi. “Tôi từng đến Ba Làng An và thấy những quả đồi nối theo gành ra tới biển với cây cối rất đẹp. Gần đây tôi quay lại và không thể hiểu chuyện gì đang diễn ra đối với danh thắng nổi tiếng này” -  tiến sĩ Vũ bày tỏ.

Bê tông hóa để làm lối đi trên quả đồi.
Bê tông hóa để làm lối đi trên quả đồi.

Liên quan đến vấn đề trên, tại cuộc họp báo quý II/2022 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh nêu rõ, để xảy ra tình trạng này là trách nhiệm của UBND xã Bình Châu.

“Quản lý nhà nước về đất đai ở huyện Bình Sơn để lại rất nhiều tồn tại, đặc biệt trên địa bàn xã Bình Châu. Về mặt quản lý nhà nước, xây dựng trái phép trên dất đai là xử lý. Để xảy ra tình trạng xây dựng các hàng quán ở thắng cảnh này sẽ dẫn đến rất khó cưỡng chế, xử lý. UBND huyện Bình Sơn cần phải lập biên bản xử lý, tháo dỡ ngay, nếu để lâu dài sẽ trở thành điểm nóng”, ông Đặng Văn Minh nói.