Theo nhận định của cơ quan chức năng, các đối tượng có nhiều thủ đoạn để đưa hàng hoá vào thị trường nội địa tiêu thụ. Do đó, các ngành chức năng của tỉnh đã xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần ổn định thị trường, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Được biết, năm 2024, lực lượng Biên phòng đã chủ trì bắt giữ, xử lý 97 vụ/104 đối tượng, trị giá hàng hóa bắt giữ 4,9 tỷ đồng, tăng 42,6% về số vụ, tăng 69% về trị giá so với năm 2023; xử lý hình sự 20 vụ/29 đối tượng, tăng 42,9% về số vụ, tăng 26,1% về số đối tượng so với năm 2023; xử lý hành chính 79 vụ, phạt vi phạm hành chính số tiền 1,8 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2024, các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 3.587 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; trị giá hàng hóa vi phạm 34,63 tỷ đồng, tăng 19% về số vụ, tăng 57% về trị giá. Xử lý vi phạm hành chính 3.522 trường hợp, tăng 4% về số trường hợp xử lý vi phạm hành chính; phạt tiền trên 385 tỷ đồng.
Nhằm quyết liệt ngăn chặn hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả các tuyến biên giới đường bộ dịp Tết, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch chuyên đề, nhằm tăng cường kiểm soát chặt chẽ toàn tuyến biên giới đường bộ và trên biển. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng trọng điểm, như: ma túy, pháo các loại, thuốc lá điếu, thực phẩm, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, gia cầm và sản phẩm gia cầm, điện thoại di động... Tăng cường phối hợp trao đổi, chia sẻ thông tin nhằm bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Lực lượng Hải quan tỉnh cũng tăng cường kiểm soát hàng hóa trên cơ sở phân tích, dự báo tình hình buôn lậu trước, trong và sau Tết, để đưa ra những mục tiêu, giải pháp cụ thể triển khai đến các đơn vị, cơ sở quản lý địa bàn tại các địa phương. Trong đó, tập trung vào 8 nhóm công việc và 49 nhiệm vụ cụ thể với mục tiêu “Quản lý được địa bàn, kiểm soát được tình hình, kiềm chế được đối tượng; kiên quyết không để phát sinh điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan”; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị cơ sở tăng cường kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, vàng, tiền tệ, thiết bị điện tử viễn thông, điện thoại di động, tôm hùm giống, lợn, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi, thủy sản; hàng hóa loại hình quá cảnh, vận chuyển độc lập… Đẩy mạnh trao đổi công hàm hợp tác với Hải quan Nam Ninh - Trung Quốc trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy qua biên giới.
Đặc biệt, để kiểm soát tốt thị trường, không để hình thành các điểm “nóng” về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc diễn biến tình hình, xác định địa bàn, đối tượng trọng điểm để chủ động xây dựng các kế hoạch chuyên đề, tuần tra kiểm soát, xác lập chuyên án tổ chức đấu tranh, đánh trúng các đường dây, ổ nhóm tụ điểm phức tạp, xử lý các hành vi vi phạm.
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã xây dựng kế hoạch, triển khai nhiệm vụ đến các thành viên trong Ban Chỉ đạo để tăng cường kiểm soát, không để hình thành các điểm nóng, ổ nhóm vận chuyển hàng hóa vào nội địa trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; chủ động xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2025, đảm bảo tương xứng với diễn biến tình hình, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng các đơn vị; quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác thu thập thông tin, nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng trọng điểm.
Đồng thời, dự báo, cảnh báo, phòng ngừa từ sớm, từ xa và tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép, tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường; tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số...
Qua đó, góp phần giữ vững địa bàn an toàn, ổn định thị trường, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.