Quảng Ninh: Mở ra diện mạo đô thị mới

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một số năm trở lại đây tỉnh Quảng Ninh được đánh giá là cực tăng trưởng quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là khu vực động lực trong vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ.

Đến nay, Quảng Ninh đã có 14 đô thị và 4 khu kinh tế ven biển. Sự phát triển này cho thấy tỉnh Quảng Ninh đang mở ra một diện mạo mới về không gian đô thị đáng sống với sự đồng bộ về hạ tầng, du lịch cũng như địn hướng tầm nhìn đến năm 2025.
Đô thị gắn liền với phát triển xanh
Trong tổng 14 đô thị thì có 1 đô thị loại I là TP Hạ Long, 3 đô thị loại II là TP Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái, 4 đô thị loại IV gồm; thị xã Đông Triều, thị xã Quảng Yên, thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ, thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn... mục tiêu đến năm 2025 tỉnh Quảng Ninh trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương với khu vực đô thị lõi hạt nhân gồm: Hạ Long, Cẩm Phả kết nối với Vân Đồn, Quảng Yên, Uông Bí, Hoành Bồ để tập trung phát triển không gian đô thị đảm bảo các chỉ tiêu đô thị loại I.
Quảng Ninh hôm nay đang trên đà phát triển với dáng dấp đô thị hiện đại, văn minh. Ảnh Internet.
Bên cạnh việc phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh luôn đặt và gắn liền với tăng trưởng xanh. Tỉnh đã thành lập và thành lập Ban chỉ đạo chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, đồng thời triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật " thúc đẩy tăng trưởng xanh tại khu vực Vịnh Hạ Long" do Jica Nhật Bản tài trợ.
Quảng Ninh đã giành nguồn lực, kêu gọi nhiều nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án giao thông trọng điểm; các dự án hạ tầng công nghiệp, khu đô thị cao cấp để tạo diện mạo mới là động lực phát triển kinh tế.
Hiện tại, Quảng Ninh triển khai được 18 dự án khu đô thị, các dự án này được lập trên cơ sở Quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu và Chương trình phát triển nhà ở toàn tỉnh. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện thực hiện tốt các phương án đề án bảo vệ môi trường, rà soát cho phù hợp thực tiễn về quy hoạch bảo vệ môi trường, tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường và thực thi các nội dung cam kết...
Xây dựng đô thị theo hướng thông minh
Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt và chuẩn bị triển khai 24 dự án thuộc đề án thông minh như trường học, bệnh viện, kiến trúc TP thông minh...nâng cao năng lực quan trắc môi trường tự động, xây dựng hệ thống quản lý điều hành giao thông thông minh.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đô thị trên địa bàn TP Hạ Long, Uông Bí. TP Hạ Long đã hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống chiếu sáng thông minh, tiết kiệm năng lượng trên địa bàn. Đối với ngành xây dựng việc xây dựng hệ thống quản lý thông minh là một nội dung mới nên rất cần Bộ Xây dựng xem xét và sớm có hướng dẫn.
Với mục tiêu lấy dân làm trung tâm, đề án triển khai ứng dụng CNTT để cải thiện và nâng cao tiện ích cho người dân, DN... đồng thời ưu tiên đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin cho TP thông minh và lựa chọn các lĩnh vực đầu tư phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển vượt trội về du lịch, về tăng trưởng kinh tế tốt thì hiện ở Quảng Ninh cũng đang phải đối mặt với nhiều mâu thuẫn như phát triển công nghiệp nặng và du lịch, dịch vụ. Sự phát triển bền vững trước những biến đổi của khí hậu và nước biển dâng cao. Vì theo tính toán mỗi năm ngành than thải ra môi trường từ 300 - 500 triệu m3 đất, đá; từ 120 - 250 triệu m3 nước thải. Nhiều trung tâm công nghiệp nằm cạnh vịnh Bái Tử Long nên việc ô nhiễm môi trường là điều khó tránh nên cần có sự phát triển đồng bộ để đảm bảo phát triển du lịch bền vững và dịch vụ kinh tế biển...
Vậy giải pháp nào giúp tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới? Trao đổi về vấn đề này một lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, tỉnh đang thực hiện mục tiêu chuyển dần theo hướng phát triển công nghiệp "xanh" đặc biệt là quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch, bảo vệ môi trường trong có đề án bảo vệ môi trường và cải thiện môi trường vịnh.
Cụ thể, Quảng Ninh đã chi 157 tỷ đồng để lắp đặt các trạm quan trắc môi trường tự động. Riêng ngành than xây dựng 39 trạm xử lý nước thải, cải tạo hoàn nguyên môi trường 800ha khai trường, bãi mỏ than. Một số đơn vị ngành than cần có lộ trình di dời ra khỏi khu vực đông dân cư...
Đối với nông nghiệp sẽ áp dụng sang ứng dụng công nghệ cao, chăm sóc bảo vệ rừng được tuân thủ nghiêm ngặt đảm bảo không để xảy ra cháy rừng quy mô lớn.
Kỳ vọng xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh có TP năng động, thông minh gắn với phát triển bảo vệ môi trường là trọng trách vô cùng lớn lao của tỉnh. Thời gian tới sau khi 4 khu kinh tế (1 khu kinh tế ven biển và 3 khu kinh tế cửa khẩu phát triển thành Đặc khu kinh tế) cùng với các dự án khu đô thị đang trên đà phát triển sẽ đưa tỉnh Quảng Ninh đứng vào tốp thành phố đáng sống, hiện đại và phấn đấu trở thành TP đô thị loại I trong thời gian không xa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần