Quảng Trị: Đồ chơi, thực phẩm nguy hại bủa vây cổng trường

Khánh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với đủ loại thực phẩm, đồ chơi bắt mắt giá chỉ vài nghìn đồng bày bán tại các hàng quán trước cổng trường đang dấy lên nhiều nỗi lo. Trong khi đó, việc quản lý, kiểm tra thực phẩm an toàn vẫn còn chưa thực sự quyết liệt.

Từ thực phẩm “bẩn”

Tại trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), gần cuối giờ chiều, cánh cổng trường vừa mở, học sinh đã chen nhau chạy đến những quán bán đồ ăn vặt ngay phía trước cổng trường. Những đứa trẻ nhanh chóng chọn cho mình món ăn ưa thích cũng như các loại đồ chơi với giá chỉ vài nghìn đồng.

Trong vai phụ huynh học sinh, phóng viên tiếp cận với các cửa tạp hóa bày bán trước cổng trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc và một số trường tiểu học trên địa bàn. Ở đây, đa phần các loại bánh, kẹo, đồ chơi có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt in những hình ảnh hoạt hình quen thuộc với các em nhỏ.

Giờ tan trường, học sinh nhanh mua các loại bánh, kẹo giá chỉ vài nghìn đồng trước cổng trường.
Giờ tan trường, học sinh nhanh mua các loại bánh, kẹo giá chỉ vài nghìn đồng trước cổng trường.

Thế nhưng, khi xem kỹ, những mặt hàng này hầu hết có in chữ Trung Quốc, một số đồ chơi, thực phẩm khác không có nhãn tiếng Việt ghi rõ ràng các thông tin theo quy định. Thậm chí, một số loại kẹo, thức ăn, đồ chơi không hề có một dòng chữ, nhãn mác nào.

Khi được hỏi về nguồn gốc, xuất xứ cũng như chất lượng các sản phẩm này, người bán hàng cũng trả lời qua loa lấy từ các đại lý lớn về. Không chỉ bắt mắt, đa phần các mặt hàng này giá chỉ từ 2.000 – 5.000 đồng nên được các em học sinh dễ dàng mua được từ tiền phụ huynh cho ăn sáng, tiêu vặt.

Một thực phẩm in tiếng Trung Quốc với hình ảnh bắt mắt bày bán trước cổng trường, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và nguyên liệu.
Một thực phẩm in tiếng Trung Quốc với hình ảnh bắt mắt bày bán trước cổng trường, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và nguyên liệu.

Những viên kẹo không có nguồn gốc xuất xứ, giá chỉ có 2.000 đồng/1 viên, 1 túi bánh tráng trộn không nhãn mác 5.000 đồng hay 1 túi que cay, ô mai bọc trong nilông không một dòng chữ cũng chỉ có 3.000 đồng/túi.

Phóng viên đã mua 1 viên kẹo với giá 2.000 đồng, không hề có một nhãn mác, xuất xứ nào trừ bên ngoài in hình trái dâu tây bắt mắt. Sau khi mở ra, xộc lên mũi là mùi của hóa chất, còn viên kẹo màu đỏ mềm không hề biết được làm từ nguyên liệu gì. Hay khi mở 1 gói snack, cầm trên tay một chút đã cảm giác một lớp dầu bám nhờn trong lòng bàn tay.

Tuy bán những thực phẩm mà các em học sinh gần như mua ăn hàng ngày nhưng đến cả người bán hàng cũng không biết hàng hóa xuất xứ từ đâu, chất lượng thế nào. Kể cả những nguy cơ ngộ độc, ảnh hưởng sức khỏe trước mắt và lâu dài cũng bị người bán ngó lơ vì lợi nhuận.

Tương tự tại các cổng trường trên địa bàn TP Đông Hà, huyện Gio Linh và các huyện khác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, những quầy tạp hóa la liệt những mặt hàng, món đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đặc biệt, ở các trường vùng nông thôn, vùng xa những loại hàng hóa này càng nhiều hơn.

Những thứ thực phẩm không hề rõ nguyên liệu, hạn sử dụng bày bán trước cổng trường mà phóng viên đã mua chỉ giá vài nghìn đồng mỗi món.
Những thứ thực phẩm không hề rõ nguyên liệu, hạn sử dụng bày bán trước cổng trường mà phóng viên đã mua chỉ giá vài nghìn đồng mỗi món.

Chỉ trên địa bàn thị trấn Hồ Xá (huyện Vĩnh Linh), qua đợt kiểm tra của địa phương vào tháng 9/2022 đối với 17 quán thuộc khu vực các trường học đã phát hiện 6/17 quán vi phạm. Trong đó, các hàng quán này bán hàng không rõ nguồn gốc, thậm chí đã hết hạn sử dụng.

Ông Trần Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hồ Xá cho biết, qua kiểm tra đã tiến hành lập biên bản, tiêu hủy tại chỗ các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng. Đồng thời, tuyên truyền, nhắc nhở vận động các hộ buôn bán không giao nhận, mua bán các loại hàng hóa trên.

"Trong thời gian tới, UBND thị trấn đã có kế hoạch cụ thể kiểm tra nhằm giám sát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh hàng hóa tiêu dùng tại các đại lý bán sỉ, bán lẻ, kiểm soát phát hiện và xử lý triệt để những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, sản phẩm không rõ nguồn gốc”, ông Trần Thanh Dương nhấn mạnh.

… đến các loại đồ chơi không rõ xuất xứ

Nhiều phụ huynh đã thực sự lo lắng khi các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc bủa vây cổng trường. Anh Trần Đình Q. một phụ huynh tại TP Đông Hà ngoài dặn dò con tránh xa những món đó, anh và vợ kiên quyết không cho con tiền tiêu vặt. Nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời. “Mình thực sự rất lo lắng vì nhiều món ăn, đồ chơi không hề rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chỉ bóc ra thôi đã thấy rùng mình. Dù nhắc nhở con nhưng cũng khó vì trước cổng trường vẫn bán la liệt”, anh Q. bày tỏ.

Qua khảo sát tại nhiều cửa hàng tạp hóa trước cổng trường, phóng viên đã mua được 1 loại đồ chơi mà các em học sinh gọi là “pháo pokemon”. Bởi, bên ngoài in hình những nhân vật hoạt hình pokemon nhưng chỉ cần bấm và đập nhẹ cho vỡ túi dung dịch bên trong, chỉ ít giây sau, gói nilông sẽ phát ra tiếng nổ  khá lớn.

"Pháo pokemon" bày bán trước một cổng trường tiểu học trở thành đồ chơi yêu thích của trẻ dù nhà trường đã nghiêm cấm.
"Pháo pokemon" bày bán trước một cổng trường tiểu học trở thành đồ chơi yêu thích của trẻ dù nhà trường đã nghiêm cấm.

Loại đồ chơi đang thu hút rất nhiều các em học sinh mỗi giờ ra chơi. Giá mỗi gói pháo nổ này chỉ từ 2.000 – 3.000 đồng. Không nguồn gốc xuất xứ, không hướng dẫn sử dụng cũng như thành phần bên trong nhưng loại “pháo nổ” này lại khiến các em thích thú.

Khi xé lớp nilông dày ra, bên trong có một túi nhựa trắng nhỏ cùng với 1 loại chất bột màu trắng nhưng không rõ loại hóa chất gì. Bà Hồ Thị H. (phụ huynh trên địa bàn huyện Vĩnh Linh) chia sẻ: “Có lần đón cháu, cháu cứ đòi mua pháo pokemon nên tôi mua cho nó. Đến khi mang về, cháu nghịch thế nào nổ trên tay, ít phút sau cháu kêu ngứa khi hóa chất ở trong tay bắn vào mặt. Hoảng quá, từ đó tôi cấm tiệt”, bà H. cho hay.

"Pháo pokemon" bày bán trước cổng trường không hề rõ nguồn gốc. Bên trong chứa bột màu trắng.
"Pháo pokemon" bày bán trước cổng trường không hề rõ nguồn gốc. Bên trong chứa bột màu trắng.

Dù một số trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã cấm học sinh chơi loại “pháo pokemon”. Thế nhưng, thứ đồ chơi vừa rẻ vừa kích thích sự tò mò của trẻ này đã khiến nhiều học sinh vẫn mua chơi. Và trước các cổng trường vẫn la liệt nhiều thứ đồ chơi nguy hiểm... Được biết, loại đồ chơi này cũng tương tự như loại súng đồ chơi phát nổ vừa khiến 6 em học sinh tiểu học nhập viện khi hít phải khí xì ra tại Nghệ An vào ngày 8/12/2022 vừa qua.

Nhiều cửa hàng, hàng quán bày bán những món đồ chơi giá chỉ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng nhưng không rõ nguồn gốc, chất liệu.
Nhiều cửa hàng, hàng quán bày bán những món đồ chơi giá chỉ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng nhưng không rõ nguồn gốc, chất liệu.

Không chỉ các loại pháo, tại các quầy tạp hóa, thậm chí là các đại lý lớn, cửa hàng bày bán đủ loại đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đa phần chỉ có từ vài nghìn đồng đến vài chục nghìn đồng nên các phụ huynh sẵn sàng mua khi con trẻ đòi hỏi mà không hề biết rằng những loại đồ chơi này đang gây nguy hại đến sức khỏe về lâu dài.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Quốc Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị cho biết:  “Chi cục đang có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố nhằm chấn chỉnh tình trạng nêu trên”.

Để bảo vệ trẻ em cũng như tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra, các cơ quan chức năng, chính quyền cấp địa phương cần tăng cường công tác quản lý, kiểm ra các hàng hàng trước cổng trường. Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm đối với các các cơ sở, cá nhân bán hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng.