Nằm phía Tây của huyện Vĩnh Linh, Vĩnh Ô là xã đông người Vân Kiều sinh sống, thuộc vùng khó khăn của địa phương này. Cuộc sống bao đời nay vẫn gắn liền với nương rẫy, cách xa trung tâm huyện lỵ. Nhiều năm về trước, Vĩnh Ô được ví như một “ốc đảo” bởi để đến được nơi đây phải đánh vật với những con dốc trơn trượt từ sáng đến tối mịt mới tới nơi. Có lúc, bị chia cắt cả tháng trời bởi mưa lũ, sạt lở.
Nhằm giúp bà con sớm thoát khỏi tình trạng trắc trở, con đường nhựa nối liền từ tuyến đường Hồ Chí Minh vào tận trung tâm xã. Dù vẫn còn những xa xôi, cách trở nhưng việc đi lại, lưu thông hàng hóa ngày càng thuận tiện hơn.
Thế nhưng, Vĩnh Ô còn đó những băn khoăn khi vẫn 35% hộ nghèo trong tổng số trên 340 hộ dân. Trong đó, 98% là bà con đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, kinh tế chủ yếu vẫn làm nông thuần túy.
Để bà con nơi đây sớm thoát khỏi tình trạng khó khăn, cùng với các chính sách, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, huyện Vĩnh Linh đã có nhiều kế hoạch cụ thể nhằm ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và xã Vĩnh Ô nói riêng. Cùng với đó, UBND huyện Vĩnh Linh đã triển khai Đề án phát triển Thương mại – Du lịch huyện Vĩnh Linh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, tổ chức phiên chợ phiên Vĩnh Ô hàng tháng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, việc tổ chức chợ phiên Vĩnh Ô sẽ thúc đẩy quá trình lưu thông, tiêu thụ, mua bán các sản phẩm hàng hóa do chính người dân địa phương làm ra, trở thành hoạt động thường niên hàng tháng.
Đồng thời, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sản vật của địa phương, những giá trị văn hóa của bà con đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển du lịch của huyện, đảm bảo tiêu chí thương mại trong xây dựng nông thôn mới.
Họp ngay ở thung lũng trung tâm của xã, giữa bốn bề rừng núi và các mái nhà sàn, cách thị trấn Hồ Xá (huyện Vĩnh Linh) hơn 40km, chợ phiên Vĩnh Ô được tổ chức vào ngày 19 hàng tháng.
12 gian hàng của các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều trên địa bàn bày bán và giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương, như: nếp rẫy, mật ong, măng rừng, gà, heo… đến các sản vật từ núi rừng như: đọt mây, đoác, cá suối, dược liệu và các loại rau, quả sạch của người dân bản địa. Cùng với đó là các gian hàng của những doanh nghiệp trên địa bàn với sản phẩm thực phẩm, hàng gia dụng, dược liệu.
Đến với phiên chợ du khách còn có thể mua sắm các công cụ sản xuất, sản phẩm của của đồng bào Vân Kiều nơi đây, tham quan trải nghiệm những trang phục độc đáo của bà con hay thưởng thức men rượu nồng cay được làm từ lá, rễ cây rừng trong nhịp cồng chiêng vang vọng.
Kể từ khi hoạt động, chợ phiên Vĩnh Ô đã thu hút đông đảo Nhân dân trên địa bàn và du khách đến tham quan, trải nghiệm. Chị Nguyễn Thanh Vân (TP Đông Hà, Quảng Trị) vừa mua những mặt hàng vừa tìm hiểu các món ẩm thực, văn hóa của phiên chợ độc đáo này.
“Mình mua nhiều thứ lắm bởi toàn bộ đều là các sản phẩm sạch do bà con nuôi, trồng hoặc thu hoạch từ rừng. Phiên chợ gần như hội tụ đầy đủ sắc màu của một phiên chợ vùng cao của tỉnh Quảng Trị”, chị Nguyễn Thanh Vân nói.
Bên gian hàng là những bì măng, ớt, dưa leo, gà… được hái từ rẫy hoặc mang từ nhà đến, chị Hồ Thị Hanh (bản 2, xã Vĩnh Ô) tất bật bán các mặt hàng cho người dân và du khách đến mua sắm. “Các mặt hàng bán được giá lắm, chứ lâu nay chủ yếu bà con trồng ra rồi để dùng thôi. Có phiên chợ này, bà con mang các mặt hàng ra bán có thêm một nguồn thu nhập rất lớn”, chị Hanh vui mừng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, việc tổ chức chợ phiên Vĩnh Ô vào hàng tháng sẽ tạo tiền đề xây dựng thương hiệu và thúc đẩy phát triển các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương.
“Đồng thời, tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tìm kiếm cơ hội, mở rộng thị trường, đẩy mạnh việc hợp tác sản xuất, kinh doanh, giới thiệu sản phẩm, lưu thông hàng hàng hóa nhằm thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch trên địa bàn trong thời gian tới”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.