Quảng Trị hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh và bền vững

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian tới, Quảng Trị tiếp tục phát huy lợi thế vị trí chiến lược trên truyến Hành lang kinh tế Đông – Tây, tuyến đường xuyên Á để mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, giao thương hàng hóa, vận tải quốc tế, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.

Chiều 27/4, báo Quảng Trị tổ chức Gặp mặt khởi động diễn đàn “Quảng Trị làm gì để phát triển nhanh và bền vững”. Đây là một trong những chuỗi sự kiện nổi bật nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Quảng Trị (1/5/1972 – 1/5/2022).

Toàn cảnh buổi gặp mặt khởi động diễn đàn " Quảng Trị làm gì để phát triển nhanh và bền vững". Ảnh: Minh Tân
Toàn cảnh buổi gặp mặt khởi động diễn đàn " Quảng Trị làm gì để phát triển nhanh và bền vững". Ảnh: Minh Tân

Tham dự buổi gặp mặt có các đại biểu lãnh đạo tỉnh, nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh; lãnh đạo cơ quan báo chí Trung ương và địa phương... đóng góp ý kiến, hiến kế cho tỉnh Quảng Trị trong hoạch định chính sách dài hạn để tỉnh phát triển nhanh và bền vững. 

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,8%/năm

Điểm lại những dấu mốc lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc và kiến tạo quê hương đất nước, Tổng Biên tập báo Quảng Trị Trương Đức Minh Tứ khẳng định, để có ngày chiến thắng 30/4/1975, biết bao máu xương đã đổ xuống mà ngày nay trên mảnh đất Quảng Trị có hàng vạn liệt sĩ đang yên nghỉ ở 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia (Trường Sơn và Đường 9).

Các đại biểu tham dự buổi gặp mặt. Ảnh:  Minh Tân
Các đại biểu tham dự buổi gặp mặt. Ảnh:  Minh Tân

Sau 50 năm nỗ lực vượt bao khó khăn, thử thách của hậu quả chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều điểm sáng.

 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII đã đề ra mục tiêu: Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị phấn đấu xây dựng tỉnh trở thành địa phương có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước vào năm 2025; nằm trong nhóm 30 tỉnh phát triển của cả nước năm 2030.

Từ năm 1989 đến nay, nền kinh tế của Quảng Trị liên tục tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh bình quân đạt 7,8%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Quy mô nền kinh tế tăng 190 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 10 lần; tổng thu ngân sách địa phương tăng hơn 300 lần so với năm 1989.

Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song tốc độ tăng trưởng GRDP của Quảng Trị vẫn đạt 6,5%, xếp thứ 3 trong 14 tỉnh, thành vùng Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung và xếp thứ 18 trong cả nước.

Hiện nay, các tiềm năng, lợi thế của tỉnh Quảng Trị đang từng bước được khai thác, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào tăng trường kinh tế. Trên địa bàn tỉnh có nhiều nguồn năng lượng được khai thác với tổng công suất phát điện 965,6 MW, trong đó có 19 dự án điện gió với tổng công suất 671,1 MW đi vào hoạt động góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, là cơ sở để phấn đấu xây dựng Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng mới của miền Trung.

Đáng chú ý, cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng Cảnh hàng không Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư 5.822,9 tỷ đồng, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội Quảng Trị “cất cánh trong tương lai.

Đầu năm 2022, Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn I được khởi công xây dựng tại 2 xã Hải An và Hải Ba (huyện Hải Lăng), nằm trong khu phức hợp năng lượng của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị có công suất phát điện 1.500 MW.

Đặc biệt, vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị, công trình đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông – Tây được khởi công xây dựng.

Cùng với lĩnh vực kinh tế, các nhiệm vụ phát triển văn hóa – xã hội, y tế, giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững… luôn được tỉnh Quảng Trị quan tâm. Đời sống Nhân dân trong tỉnh ngày được nâng cao. Diện mạo từ đô thị đến vùng nông thôn đổi thay rõ rệt. nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới đã hình thành nên nhiều vùng quê đáng sống.

Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng phục vụ tốt nhất cho người dân và DN. Quốc phòng – an ninh được củng cố và tăng cường. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo…

Thu hút đầu tư, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Đưa ra những giải pháp chiến lược phát triển toàn diện, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Viết Nên cho rằng, tỉnh phải đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư trong nước và các tập đoàn kinh tế nước ngoài đầu tư vào Quảng Trị. Để làm được việc này, Quảng Trị cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm các thủ tục rườm rà và khâu trung gian dễ gây ra nhũng nhiễu, tiêu cực.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Viết Nên phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Minh Tân
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Viết Nên phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Minh Tân

Bên cạnh đó, tiếp tục đề xuất Trung ương hình thành các cơ chế ưu đãi, cởi mở thông thoáng nhưng đúng với thông lệ quốc tế để hỗ trợ tối đa cho các DN trong và ngoài nước đến hợp tác đầu tư.

“Tỉnh cần ưu tiên cho các nhà đầu tư xây dựng sớm cảng nước sâu Mỹ Thủy, năng lượng khí và sân bay Quảng Trị để tạo thêm lợi thế giúp tỉnh phát triển nhanh và bền vững” – ông Nguyễn Viết Nên nhấn mạnh.

Theo Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính, đóng góp vào sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh không thể thiếu trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, thanh niên, thế hệ người Quảng Trị trong và ngoài nước.

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Minh Tân
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Minh Tân

Song song với đó, tỉnh cần ưu tiên phát triển nguồn nhân lực tốt, tạo điều kiện môi trường làm việc thuận lợi cho thế hệ trẻ. Đồng thời, có chế thu hút nhân lực chất lượng cao, nhân tài về làm việc, công hiến công sức, trí tuệ cho Quảng Trị. Đặc biệt là nâng cao chất lượng từ giáo dục – đào tạo, chất lượng cán bộ… tạo tiền đề để từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển Quảng Trị nhanh và bền vững.

Đề cập về một số giải pháp phát triển kinh tế, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị Lê Tiến Dũng cho rằng, các huyên, thị xã trên địa bàn tỉnh cần tập trung phát triển các Trung tâm thương mại, điểm thương mại dịch vụ dọc truyến Quốc lộ 1 và các tuyến tránh Quốc lộ 1, tuyến đường Hồ Chí Minh, tuyến Quốc lộ 9; các điểm thương mại  dịch vụ tại các điểm du lịch. Dành quỹ đất thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại – dịch vụ, nhất là tại các khu đô thị đông dân cư, gắn với du lịch của địa phương.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị Lê Tiến Dũng phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Minh Tân
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị Lê Tiến Dũng phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Minh Tân

Đối với khu vực nông thôn, cần quan tâm phát triển hạ tầng thương mại nông thôn, tăng cường xã hội hóa trong đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu quả quản lý, kinh doanh khai thác chợ.

Theo Quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng phê duyệt, Quảng Trị có 3 tổng kho với tổng công suất bể chưa 430.000m3. Các kho này ngoài chức năng kho tuyến sau còn được quy hoạch là kho xăng dầu trung chuyển sang Lào. Vì vậy, cần tạo điều kiện để các dự án này sớm triển khai thực hiện đi vào hoạt động, đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh.

Cũng theo ông Lê Tiến Dũng, về lâu dài, tỉnh cần thu hút đầu tư các trung tâm dịch vụ logistics, các tổng kho hàng hóa trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây để thúc đẩy xây dựng Quảng Trị trở thành điểm trung chuyển hàng hóa của các nước trong khu vực vào năm 2030.

Cùng với đó, thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, hiệu quả Hiệp định Thương mại biên giới Việt – Lào. Ngoài ra, tỉnh cần nghiên cứu để đề xuất Chính phủ 2 nước Việt – Lào hình thành Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới để thúc đẩy phát triển kinh tế.

 

Diễn đàn “Quảng Trị làm gì để phát triển nhanh và bền vững” là chiến dịch truyền thông được khởi động từ ngày 27/4 và kéo dài đến cuối năm 2022 thông qua các hình thức bài viết trên báo in, báo điện tử, truyền hình, tọa đàm…