[Quảng Trị hiện thực hóa trở thành Trung tâm năng lượng miền Trung] Bài cuối: Phát triển bền vững kinh tế - xã hội và môi trường

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc nhà đầu tư tìm đến Quảng Trị triển khai các dự án điện gió đã mang lại nhiều cơ hội cho tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, Quảng Trị cần giải quyết các vấn đề trước mắt và lâu dài nhằm phát triển bền vững với tương lai không xa, Quảng Trị sẽ trở thành Trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung vào năm 2030.

Gỡ rối nhà cho nhà đầu tư
Có thể thấy, Quảng Trị là một trong tỉnh hiếm hoi của khu vực miền Trung chỉ trong thời gian ngắn đón hàng chục nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đây cũng là những tín hiệu mừng cho việc thu hút đầu tư của tỉnh này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo khi việc đầu tư nhanh chóng nhằm hưởng giá điện hỗ trợ (FIT) đã bộc lộ nhiều vấn đề.
Những tác động từ dịch bệnh Covid-19, vấn đề giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công đang đè nặng lên vai của nhà đầu tư. Chưa kể, miền Trung đang chuẩn bị bước vào mùa mưa bão và vùng phía Tây Quảng Trị đang đối mặt với nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất lớn hơn bao giờ hết.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra công tác trồng rừng, đảm bảo môi trường sinh thái, phòng chống sạt lở tại các khu vực triển khai dự án điện gió.

Trước những lo lắng của các nhà đầu tư, UBND tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các ngành chức năng cùng các đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. Từ việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đảm bảo an ninh trật tự, hỗ trợ đầu tư đến các giải pháp an toàn đảm bảo trong mùa mưa lũ, môi trường sinh thái tại khu vực triển khai dự án; Tích cực phối hợp trong quá trình thực hiện dự án đường dây 220kV Đông Hà – Lao Bảo nhằm giải phóng công suất cho các nhà máy điện gió phía Tây Quảng Trị chuẩn bị vào vận hành thương mại.
Trao đổi với Kinh tế &Đô thị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, cho biết: Trong thời gian vừa qua, công tác giải phóng mặt bằng nảy sinh một số vấn đề. Thế nên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành cũng như UBND huyện Hướng Hóa thành lập các tổ, đội hỗ trợ để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng.
Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các chủ trương lớn về phát triển năng lượng trên địa bàn để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, không nghe kích động, xúi giục, đòi hỏi những cái bất hợp lý, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.
“Trong thời gian vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt nên đến nay tình hình an ninh trật tự cũng như tư tưởng của người dân cơ bản ổn định”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng khẳng định.
Đồng thời, ông Hà Sỹ Đồng cũng cho biết, trước những nỗi lo của nhà đầu tư khiến nguy cơ chậm tiến độ vận hành. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công thương xem xét, chấp thuận gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá FIT đối với các dự án điện gió trên địa bàn.
Phát triển bền vững
“Tỉnh Quảng Trị kiến quyết không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế mà phải rà soát những vùng nào rừng sản xuất, rừng phòng hộ ít xung yếu, rừng không phát triển bền vững mà có điều kiện phát triển năng lượng tái tạo thì phải ưu tiên. Còn các nhà đầu tư đã có cam kết đầy đủ về môi trường, các dự án đều phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường cấp thẩm quyền nghiệm thu xem xét”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chia sẻ.
Cùng với đó, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu các nhà đầu tư phải ưu tiên để tạo sinh kế mới cho người dân tại địa phương. Tiến hành tuyển dụng các lao động mới ở địa phương để người dân thấy được lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân hài hòa. Đồng thời, tiến hành trồng rừng thay thế, phát động trồng cây tại các dự án điện gió nhằm góp phần ổn định sinh thái địa phương.
Chủ tich UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng (thứ 3 từ phải sang) cùng lãnh đạo Tập đoàn EVN và các nhà đầu tư kiểm tra thực tế tại các dự án điện gió trên địa bàn huyện Hướng Hóa.

 “Từ đó, chúng ta tạo ra một môi trường đầu tư, hiệu quả đầu tư trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nền nếp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo môi trường, an ninh trật tự trên địa bàn ngày càng tốt hơn”, ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.
Tính đến tháng 7/2021, Quảng Trị có 84 dự án điện gió, trong đó có 31 dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch với tổng cổng suất 1.190MW, 53 dự án đã trình Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch đưa vào sơ đồ quy hoạch điện 7+ (mở rộng) với tổng công suất 2.850MW. Theo tính toán, nếu thành công, ngân sách Quảng Trị sẽ thu được khoảng 3.500 tỷ đồng/năm nhờ các dự án điện gió.
Hiện nay, ngoài 2 dự án điện gió đã đi vào vận hành, hiện có 29 dự án điện gió với công suất 1.172,2 MW phần lớn ở huyện miền núi Hướng Hóa đang nỗ lực thi công, phấn đấu đi vào hoạt động trước 1/11/2021.
Cùng với đó, Quảng Trị đề nghị Chính phủ tạo điều kiện xây dựng 1 nhà máy điện khí 1.500 MW tại tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025 và sau năm 2025 có thêm 4.500 MW tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Với những chiến lược phát triển, cải tạo môi trường đầu tư, cùng với các dự án điện gió, điện khí, nhiệt điện và điện mặt trời sẽ đưa Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung vào năm 2030.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, bằng việc kết nối vùng phát triển điện năng gồm điện gió ở phía Tây và nhiệt điện, điện khí, điện mặt trời ở phía Đông, Quảng Trị kỳ vọng sẽ là bước đột phá của địa phương. Phấn đấu xây dựng Quảng Trị thành Trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung vào năm 2030 (có khoảng 8.000-10.000MW).
Kỳ vọng rằng, với những gì đã và đang diễn ra, những vấn đề bất cập, vướng mắc trong thu hút đầu tư, triển khai dự án dần được tỉnh Quảng Trị khắc phục. Từ đó, tạo được một môi trường đầu tư kinh doanh  thông thoáng, minh bạch, thuận lợi cho nhà đầu tư, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, môi trường hài hòa, bền vững. Để trong tương lai không xa, Quảng Trị vươn lên thoát khỏi tỉnh nghèo và hiện thực hóa dần một Trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần