Quảng Trị: Khởi sắc từ những dự án điện gió

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ trong thời gian ngắn, vùng miền núi phía Tây Quảng Trị trở thành “thủ phủ” điện gió của khu vực Bắc miền Trung với hàng loạt dự án đã và đang đi vào hoạt động.

Hiệu quả bước đầu

Từ những đợt gió Lào nóng bỏng đến các cơn gió mùa hun hút khiến vùng miền núi phía Tây tỉnh Quảng Trị ngày càng khô cằn, khắc nghiệt. Thế nhưng, giờ đây những cơn gió ấy đang biến vùng đất này thành “thủ phủ” điện gió của khu vực Bắc miền Trung. Những cơn gió gần như quanh năm và tốc độ gió đạt trung bình từ 6 - 8m/s đang trở thành tiềm năng lớn của địa phương này.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Trị có 19 dự án điện gió phát điện thương mại với tổng công suất trên 671MW (công suất quy hoạch hơn 723MW) tại khu vực huyện Hướng Hóa. Năm 2021, các dự án điện gió triển khai thi công đã đóng góp cho ngân sách địa phương gần 1.200 tỷ đồng, gồm tiền thuế nhập khẩu thiết bị và thuế phí khác.

Các dự án điện gió dần mang lại hiệu quả, khởi sắc cho kinh tế - xã hội địa phương.
Các dự án điện gió dần mang lại hiệu quả, khởi sắc cho kinh tế - xã hội địa phương.

Bên cạnh đó, thống kê sơ bộ cho thấy người dân địa phương tại khu vực thực hiện các dự án điện gió đã được nhận khoảng 500 tỷ đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng để chuyển đổi nghề, tạo sinh kế. Nhiều dự án điện gió triển khai đầu tư xây dựng trên địa bàn các xã tạo nên những thay đổi tích cực. Một số dự án tạo việc làm cho khoảng 500 lao động địa phương trong suốt thời gian qua.

Ngoài ra, còn có hơn 80km đường giao thông, trị giá khoảng 800 tỷ đồng được xây dựng trong quá trình triển khai các dự án điện gió. Điều này mang lại những kết quả lớn lao không chỉ cho vùng miền núi khó khăn, mà còn ý nghĩa to lớn về phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Trị.

Ở Hướng Hóa, có những con đường mòn len lỏi giữa rừng chỉ đi được vào mùa khô, còn mùa mưa thì đành bấm từng ngón chân để đi qua các bản làng khác. Giờ này, nó đã được thay thế bằng những con đường rải đá, rải nhựa rộng rãi nối từ bản làng này sang bản làng khác, từ xã này sang xã khác và cả trung tâm huyện nhanh chóng, thuận tiện hơn.

Ông Nguyễn Phú Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa cho biết, trước đây sinh kế của người dân trong xã chủ yếu dựa vào trồng rừng, sản xuất nông nghiệp đơn thuần. Giờ này, người dân làm thêm dịch vụ, buôn bán phục vụ nhu cầu của công nhân làm việc cho các nhà máy điện gió và du khách đến đây tham quan những “cánh đồng điện gió”.

Những con đường lớn từ việc triển khai các dự án điện gió đã rút ngắn thời gian đi lại, thuận tiện cho việc buôn bán, học hành, đi lại của người dân địa phương
Những con đường lớn từ việc triển khai các dự án điện gió đã rút ngắn thời gian đi lại, thuận tiện cho việc buôn bán, học hành, đi lại của người dân địa phương

Ông Hồ Văn Cường (thôn Miệt Cũ, xã Hướng Linh) chia sẻ, dù cuộc sống bị xáo trộn do phải di dời khi thực hiện dự án điện gió, thế nhưng, có những điều tích cực đã mang lại cho người dân nơi đây. Con đường rộng rãi khiến việc đi lại, buôn bán các mặt hàng nông, lâm sản thuận tiện hơn.

“Đứa con đầu của mình học đại học ra đã được Công ty Cổ phần điện gió Phong Liệu nhận vào làm việc lâu dài. Mọi thứ đang dần mang đến những thuận lợi cho bà con nơi đây” - ông Cường phấn khởi.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đánh giá, địa phương được Chính phủ đồng ý quy hoạch là trung tâm năng lượng của miền Trung, nên tỉnh rất kỳ vọng quy hoạch này tạo động lực cho phát triển kinh tế. Thực tế, các dự án điện gió mới triển khai và đi vào hoạt động trong thời gian ngắn, nhưng đã cho thấy hiệu quả rất rõ đối với phát triển kinh tế địa phương.

Phát triển bền vững

Theo đánh giá của Sở Công Thương Quảng Trị, các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh đều chấp hành pháp luật về đất đai, xây dựng, đầu tư và phát huy hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ngoài các dự án đã đưa vào vận hành thương mại, tỉnh Quảng Trị còn có 12 dự án điện gió với tổng công suất 454MW đã được cấp chủ trương đầu tư và đang triển khai đầu tư. Ngoài ra, còn có 58 dự án với tổng công suất trên 3.100MW đã trình Bộ Công Thương xem xét, bổ sung quy hoạch. Bên cạnh đó, có 10 dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với tổng công suất 3.190MW.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng kiểm tra việc thực hiện công tác đảm bảo môi trường, chống sạt lở tại các dự án điện gió.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng kiểm tra việc thực hiện công tác đảm bảo môi trường, chống sạt lở tại các dự án điện gió.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết thêm, việc thu hút đầu tư các dự án điện gió là chủ trương đúng, vì mang lại lợi ích kinh tế lớn khi 1MW điện gió đóng góp vào nguồn thu địa phương từ 600 - 800 triệu đồng/năm. Với các dự án đang vận hành thương mại, hứa hẹn mang về nguồn thu ngân sách địa phương khoảng 500 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, các dự án điện gió cũng ít tác động đến môi trường khi 1MW điện gió chỉ sử dụng 0,65ha đất, trong đó có 0,35ha đất vĩnh cửu, còn lại 0,3ha là tạm thời.

Nhằm phục vụ việc triển khai các dự án điện gió thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã chuyển đổi 148ha rừng trồng. Bên cạnh đó, trong tổng số 1.800ha đất được tỉnh quy hoạch để dành cho đầu tư vào các dự án năng lượng thì có 439ha dành cho dự án điện gió. Đồng thời, trước khi triển khai thi công, mỗi dự án điện gió đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Tuy nhiên, báo cáo đánh giá tổng thể tác động của tất cả dự án điện gió đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên, kinh tế - xã hội thì tỉnh mới bắt đầu triển khai. Cụ thể vào đầu tháng 4/2022, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành quyết định phê duyệt đề cương và dự toán nhiệm vụ điều tra, đánh giá tác động của các dự án điện gió đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, có tính đến năm 2030.

Những người dân đồng bào Vân Kiều có thêm nguồn thu từ việc lao động tại các dự án điện gió.
Những người dân đồng bào Vân Kiều có thêm nguồn thu từ việc lao động tại các dự án điện gió.

Theo đó, mục tiêu của nhiệm vụ này là đánh giá được tổng hợp những tác động của các dự án điện gió đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế - xã hội làm cơ sở đề xuất các giải pháp, chiến lược phát triển bền vững năng lượng tái tạo.

Đây là bước quan trọng để địa phương đánh giá được những tác động tích cực lẫn tiêu cực sau thời gian ồ ạt triển khai các dự án. Từ đó, để các ngành, địa phương có những kết quả khoa học, đầy đủ nhằm phát triển bền vững trong tương lai như lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cũng đã nhiều lần khẳng định ''không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế''.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần