Quảng Trị: Lao đao vì Covid-19, các ban quản lý di tích thấp thỏm trước mùa mưa bão

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Nỗi lo của những ban quản lý di tích càng tăng dần khi mùa mưa bão sắp đến, trong khi nhân sự quản lý, bảo vệ di tích đã buộc phải cắt giảm bởi không đủ nguồn chi trả. Trưởng ban, phó ban quản lý các điểm di tích phải làm thêm nhiệm vụ cắt cỏ, bảo vệ, trông coi các hiện vật.

Trưởng, phó ban kiêm bảo vệ
Cuối giờ chiều một ngày tháng 7, khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải nằm ngay trên tuyến Quốc lộ 1A vẫn vắng lặng. Trái với những năm trước, đây là thời điểm mà du khách, các cựu chiến binh, người dân trong cả nước hướng về.
Bên trong khuôn viên, dù vắng bóng du khách nhưng mọi thứ vẫn gọn gàng, sạch sẽ. Ông Trần Văn Minh, Phó Ban quản lý khu di tích cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Di tích này từ 9 cán bộ, nhân viên giờ chỉ còn 3 người. Nguồn thu từ việc bán vé ở các điểm di tích không đủ chi trả cho người lao động, thế nên những người khác đành tạm hoãn hợp đồng.
“Giờ công tác dọn vệ sinh, quét dọn, làm đẹp khuôn viên và nhiệm vụ bảo vệ một mình tôi phải gánh hết, tăng cường trực cả ngày lẫn đêm. Lúc khó khăn, mình phải chia sẻ thôi, anh em giờ phải nghỉ thì mình phải gánh vác công việc của anh em. Phần nữa, đây là điểm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nên anh em cũng xác định làm nhiệm vụ chính trị nên mình phải cố gắng thôi!”, ông Minh chia sẻ.
 Là điểm bán vé nhưng nhiều tháng qua, Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải vắng bóng người dân, du khách.

Tại Di tích Quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc cũng chỉ còn 4 cán bộ, nhân viên. Ông Phan Trường Định, Trưởng Ban quản lý di tích cho biết: Năm 2020, cả ban lúc đó 9 cán bộ, nhân viên nhưng phải tạm hoãn hợp đồng 7 người vì không có nguồn lương chi trả. Trưởng Ban như tôi cũng phải tạm hoãn hợp đồng giãn cách.
“Tưởng chừng như năm 2021 ổn định nhưng dịch Covid-19 lại bùng phát, Ban quản lý chỉ bán vé được mấy ngày, có ngày chỉ vài người, ngày không ai ghé đến tham quan. Giờ còn lại 4 người làm đủ nhiệm vụ từ quản lý, bảo vệ, dọn vệ sinh lẫn thuyết minh khi có khách đến di tích”, ông Định nói.
Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Quang Chức, Giám đốc Trung tâm quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị (gọi tắt là Trung tâm) cho biết thêm: Đây là thực tế đang diễn ra tại các Ban quản lý di tích do Trung tâm quản lý.
Trung tâm có 39 người thuộc biên chế Nhà nước, 45 là viên chức, lao động. Là đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, thực hiện cơ chế tự chủ nên việc chi trả các khoản tiền lương cho 45 người này đều phụ thuộc vào nguồn tiền bán vé cho khách tham quan. Trong đó, dù quản lý 9 điểm di tích nhưng chỉ bán vé, thu tiền khách tham quan tại 3 điểm di tích: Đôi bờ Hiền Lương, Địa đạo Vịnh Mốc và sân bay Tà Cơn.
 Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng du khách giảm hoặc vắng bóng khiến nguồn thu không đủ chi trả lương cho các viên chức, lao động.
“Khi chưa ảnh hưởng dịch Covid-19, nguồn thu từ bán vé và một số nguồn khác khoảng 5 tỷ đồng thì tình hình ổn. Tuy nhiên, đến năm 2020, khi dịch Covid-19 cao điểm nhất, Trung tâm buộc phải thực hiện tạm hoãn hợp đồng luân phiên 30 người vì không có nguồn thu để chi trả. Còn từ tháng 5/2021 đến nay, Trung tâm đành tiếp tục tạm hoãn hợp đồng 21 người bởi không biết xoay xở đâu nữa”, ông Chức đau đáu.
Theo ông Chức, tại một số điểm di tích do tình hình đặc thù, buộc đơn vị phải sử dụng nguồn công đức đã có trong quy chế nhằm chi trả lương cho viên chức lao động. Vì tình hình khó khăn kéo dài từ năm 2020 đến nay, đã có 4 viên chức lao động đã xin nghỉ việc vì không thể đảm bảo được cuộc sống.
Nỗi lo mùa mưa bão
Trước tình hình khó khăn, đầu năm 2021, UBND tỉnh Quảng Trị đã cấp cho Trung tâm 350 triệu đồng hỗ trợ chi trả cho viên chức lao động. “Thế nhưng, Trung tâm phải tự cân đối, người này làm việc 1 tháng thì nghỉ để người khác làm. Đến giờ này, quỹ tiền lương chi trả cho viên chức lao động còn vẻn vẹn 41 triệu đồng cho 5 anh em trong tháng 8, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có thêm người phải tạm hoãn hợp đồng. Đến tháng 9 không biết lấy nguồn nào chi trả”, ông Chức ngậm ngùi.
Tại 9 khu di tích do Trung tâm quản lý, hiện đều cắt giảm từ một nửa đến 2/3 cán bộ, nhân viên lao động tại đây. Có thời điểm, Ban quản lý sân bay Tà Cơn đều phải nghỉ 5/5 cán bộ, nhân viên khi không đủ khoản tiền chi trả.
 Dù khó khăn về nguồn lương chi trả, các cán bộ, nhân viên Ban quản lý di tích vẫn cố gắng bám trụ giữ gìn khuôn viên sạch sẽ và lo chuẩn bị các công tác khi mùa mưa bão đang đến gần.
9 điểm di tích do Trung tâm quản lý với 9 Ban quản lý di tích quản lý có nhiều hiện vật lịch sử quan trọng. Tuy nhiên, thiếu người khiến việc quản lý, bảo vệ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhiều điểm di tích không bán vé cũng không thể dừng hoạt động và phát sinh các chi phí khác.
Quảng Trị là tỉnh luôn hứng chịu mưa bão hàng năm. Trong khi đó, các điểm di tích đều nằm sát biển, ven sông, trên núi cao… luôn đối mặt với nguy cơ bị ảnh hưởng.
“Trong điều kiện bây giờ không thể làm cách nào cả, chúng tôi phải kêu gọi anh em đồng lòng vượt qua lúc khó khăn. May mắn nhiều người gắn bó với di tích đã lâu nên đều thấu hiểu, chia sẻ. Nhiều anh em phải làm việc thêm giờ, kiêm việc. Điều lo nhất của chúng tôi là thiếu người trong khi mùa mưa bão đến gần”, ông Chức lo lắng.