Quảng Trị: Mong ước vào giảng đường đại học của cô bé nghèo học giỏi

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn trở thành trụ cột gia đình khi bố, mẹ đều khuyết tật, ốm yếu. Căn nhà nghĩa tình không có gì đáng giá ngoài những giấy khen học sinh giỏi các cấp của 3 chị em và ý chí ham học giữa bao bộn bề khó khăn.

Những đứa trẻ thiếu tuổi thơ

Nằm sâu trong con đường làng yên bình và ruộng lúa xanh là xóm nghèo Đội 4, thôn Gia Độ của xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Như lời chỉ dẫn của người dân: "Chú thấy căn nhà nào có đống phế liệu trước sân là nhà chú Dần đó! và tôi không quá khó khăn để tìm thấy căn nhà của gia đình đặc biệt này".

Vừa đến cổng, một người phụ nữ dáng nhỏ, kham khổ trong bộ áo quần đã sờn đang chở cồng kềnh sau chiếc xe đạp những chai nhựa, vỏ lon bia… về nhà. Trước sân là những đống bao bì, phế liệu, vỏ lon chất đống.

Căn nhà của 2 vợ chồng khuyết tật sống dựa vào khoản trợ cấp và ve chai đi nhặt về.
Căn nhà của 2 vợ chồng khuyết tật sống dựa vào khoản trợ cấp và ve chai đi nhặt về.

Từ trong ngôi nhà, tiếng người đàn ông vọng ra, mặt hướng về khoảng không trước sân mời tôi vào nhà. Căn nhà ngoài bộ bàn ghế để tiếp khách và chiếc tủ thờ thì không còn gì đáng giá hơn, những tấm cửa cũng cũ kĩ, hỏng hóc như số phận của 2 vợ chồng anh Hồ Dần (1968) và Phạm Thị Thu (1972).

Năm 10 tuổi, đôi mắt anh Dần mờ đi rồi mù lòa hẳn, sức khỏe ngày càng yếu đi. Anh cũng chỉ loanh quanh đi trong nhà, dò dẫm tìm mọi thứ bằng đôi bàn tay. Không chỉ anh, mà 4 người anh em khác của anh cũng bị mù như vậy. Rồi anh cũng lấy được vợ là chị Phạm Thị Thu, một người phụ nữ hiền lành, chịu khó nhưng tinh thần không ổn định mỗi khi trái gió, trở trời.

Cả 2 vợ chồng người mất sức lao động 82%, người 81%, không ruộng vườn nên cuộc sống gần như phụ thuộc vào gánh ve chai của chị Thu. 3 đứa con Hồ Thị Phương Nha (2004), Hồ Thị Quỳnh Như (2006) và Hồ Lâm Chí Công (2010) lần lượt chào đời.

Những đứa trẻ đi làm đủ việc để phụ thêm từng bữa ăn cho gia đình hay mua tấm áo, cuốn vở.
Những đứa trẻ đi làm đủ việc để phụ thêm từng bữa ăn cho gia đình hay mua tấm áo, cuốn vở.

Căn nhà tình thương xây dựng gần 15 năm nay trở thành nơi sinh sống của cả 5 người. Ngoài những chính sách dành cho hộ nghèo, trợ cấp xã hội của 2 người cộng lại cũng chỉ gần 1,6 triệu đồng, đủ xoay xở miếng ăn. Có lẽ, ông trời cuối cùng cũng thấy gia cảnh đáng thương, 3 đứa con của 2 vợ chồng anh Dần, chị Thu sức khỏe tốt, chăm ngoan và các em đều học sinh giỏi có tiếng trong vùng.

Nhà nghèo, bố mẹ mất sức lao động, tuổi thơ của các em lớn dần lên trong sự khốn khó, công việc kiếm tiền phụ giúp gia đình phần nào gánh lên những đôi vai non nớt. 2 đứa trẻ Nha và Như gần như gánh thêm trách nhiệm trụ cột của gia đình vừa lo bữa ăn, lo cho em học, vừa tự bươn chải để có tiền mua áo quần, sách vở.

Sau buổi học, người dân khu vực lại thấy 3 đứa nhỏ gầy gò, đen nhẻm đi nhặt những vỏ lon bia, chai nhựa rồi ra đồng mò cua, bắt ốc, mót lúa để có thêm chút tiền trang trải cuộc sống. Dù vậy, những đứa nhỏ vẫn lớn lên trong sự chan hòa của gia đình, động viên về tinh thần của hàng xóm, bà con để xua đi những vất vả, nghèo khó.

"Nhiều đêm mình nghĩ quẩn, đến phận làm con chưa báo hiếu được bố, mẹ, rồi cũng không lo được cho con cái, mà chúng lại lo ngược lại cho mình. May 3 đứa nhỏ đều hiểu chuyện, chăm lo học hành, bé Nha cũng qua ở lại và chăm sóc ông, bà bên cạnh, coi như thay bố báo hiếu”, anh Dần rưng rưng.

Ước mơ vào giảng đường đại học

Cái tin bé Nha được tuyển thẳng vào đại học trở thành niềm tự hào của xóm nghèo bên sông Thạch Hãn. Dù điều đó có lẽ cũng không phải quá đỗi ngạc nhiên với người dân nơi đây, bởi lẽ từ nhỏ Nha đã là học sinh giỏi xuất sắc. Gian phòng học cũng là gian phòng tránh lũ vào mùa mưa bão treo kín những giấy khen của 3 chị em.

Gương mặt xinh xắn, thông minh và nói chuyện khá sắc sảo, tự tin của Nha khiến người gặp lần đầu ấn tượng. Dù không được bố, mẹ đưa đón đến trường như bao bạn bè trang lứa khác, hay bữa cơm đầy đủ nhưng chị em Nha bảo ban nhau học tập bằng nỗ lực phi thường.

 Được tuyển thẳng vào đại học nhưng giấc mơ giảng đường của Phương Nha vẫn đang gập ghềnh, chông gai.
 Được tuyển thẳng vào đại học nhưng giấc mơ giảng đường của Phương Nha vẫn đang gập ghềnh, chông gai.

Năm cấp III, mỗi ngày Nha và Như phải vượt gần 30km trên chiếc xe đạp điện từ nhà đến Trường THPT Đông Hà nhưng em luôn giữ vững thành tích học giỏi của mình. Những tài liệu ôn tập, Nha dành dùm từ những khoản học bổng, những lần nhặt ve chai để mua. Mãi đến năm lớp 12, Nha mới lần đầu chạm vào chiếc máy tính xách tay khi được tài trợ, giúp đỡ.

Những nỗ lực không mệt mỏi của Nha đã được đền đáp khi năm năm lớp 11 em đạt giải Nhất môn Ngữ văn toàn trường và giải Nhì môn Ngữ văn trong Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, nhờ đó em được tuyển thẳng vào ngành học Markerting của Đại học Kinh tế Đà Nẵng cùng một trường khác. “Em định đăng ký thi ở TP Hồ Chí Minh nhưng chi phí đắt đỏ rồi xa nhà. Ông bà, bố mẹ em đều yếu, khuyết tật, lỡ có chuyện gì em cũng không yên tâm”, Nha tâm sự.

Niềm vui chưa được bao lâu khi nhận được thông báo, nghĩ đến cảnh chi phí quá lớn, Nha từng có ý định dừng chân trước cảnh cửa đại học. Biết được hoàn cảnh của Nha, một số Mạnh thường quân đã chung tay giúp đỡ; người giúp chỗ ở, người giúp học phí nhằm tạo cơ hội cho em trở thành tân sinh viên.

Dù gia cảnh đầy khốn khó nhưng ước mơ vươn lên bằng con chữ, chinh phục tri thức vẫn thắp sáng trong căn nhà cũ này.
Dù gia cảnh đầy khốn khó nhưng ước mơ vươn lên bằng con chữ, chinh phục tri thức vẫn thắp sáng trong căn nhà cũ này.

Thế nhưng, nhắc đến số tiền sinh hoạt lớn để trang trải ở thành phố, cả nhà Nha cũng lo lắng, giấc mơ đại học vẫn chơi vơi với Nha. “Những phần chi phí khác em cũng chưa biết tính sao. Em sẽ cố gắng vừa học vừa đi làm thêm để tự trang trải cho bản thân mình. Chỉ lo em đi học rồi, mọi việc ở nhà, chăm sóc bố, mẹ, ông bà, rồi ăn uống lại giao cho bé Như, nó cũng chỉ vừa 16 tuổi”, Nha bần thần.

Cũng như Nha, Như luôn đạt học sinh giỏi ở các cấp học, năm lớp 9 em đã đạt giải Nhì môn Ngữ văn trong kỳ thi học sinh giỏi THCS cấp tỉnh. Năm học 2020-2021, Nha đạt giải Nhất môn Ngữ văn trong kỳ thi chọn học sinh giỏi văn hóa lớp 11 cấp trường, thì năm học sau, Như lại kế tiếp chị đạt giải Nhất môn Ngữ văn khi em đang học lớp 10A9 Trường THPT Đông Hà. “Em được chọn vào đội tuyển bồi dưỡng cho kỳ thi học sinh giỏi THPT Quốc gia năm nay. Em sẽ cố gắng để học  giỏi và được tuyển thẳng vào đại học như chị”, Như tâm sự.

Thế nhưng, nghĩ đến gia cảnh nghèo khó, khuôn mặt Như cũng chợt hiện lên sự lo lắng. “Mong sao có nhiều người giúp đỡ cho chị cháu, để chị có thể thực hiện ước mơ đi học đại học của mình”, Như rưng rưng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Phận, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Độ cho biết, gia cảnh của em Hồ Thị Phương Nha rất đáng thương. Nha là cháu bé ngoan, ham học và niềm tự hào của gia đình, của xã. Chính quyền địa phương cũng đã nắm được và có những động viên gia đình cháu Nha. Tuy nhiên, về lâu dài cần sự chung tay giúp đỡ của các mạnh thường quên để cháu Nha không phải bỏ dỡ giấc mơ vào giảng đường đại học.

Mọi sự ủng hộ xin được gửi về ông Hồ Dần, Đội 4, thôn Gia Độ, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Số điện thoại: 0945.145.107.