Quảng Trị tháo gỡ gánh nặng cho doanh nghiệp vật liệu san lấp

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 29 mỏ được phê duyệt đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2022, có 28 là mỏ đất làm vật liệu san lấp.

Thời gian vừa qua, nhiều công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Trị gặp khó khăn khi thiếu đất làm vật liệu san lấp.
Thời gian vừa qua, nhiều công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Trị gặp khó khăn khi thiếu đất làm vật liệu san lấp.

UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành Quyết định về việc phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2022. Theo đó, các khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản với 29 điểm mỏ thuộc khu vực chưa thăm dò khoáng sản, chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Trong số này, có 28 điểm mỏ đất làm vật liệu san lấp, 1 mỏ cát, sỏi được phê duyệt tại 9 huyện, thị xã và thành phố với tổng diện tích trên 660ha. Nhiều nhất là huyện Gio Linh với 9 điểm mỏ và huyện Vĩnh Linh 7 điểm mỏ.

Việc thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản đảm bảo đúng quy định tại Luật Đấu giá tài sản và các quy định pháp luật liên quan. Nếu các khu vực mỏ chưa thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản hết trong năm 2022 thì chuyển sang đấu giá trong các năm tiếp theo.

Giao Sở TN&MT xây dựng phương án đấu giá, xác định giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước, tổng vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoảng sản, mức thu chi phí tham gia đấu giá quyền khai thác khoảng sản cho từng khu vực mỏ… trình UBND tỉnh phê duyệt.

Đồng thời, lập, thông báo, bán hồ sơ mời đấu giá quyền khai thác khoáng sản… cũng như ký hợp đồng với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để thực hiện đấu giá theo quy định. Các sở, ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm phối hợp với Sở TN&MT trong việc thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo kế hoạch này.

Theo UBND tỉnh Quảng Trị, việc triển khai kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2022 nhằm quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu tác động đến môi trường. Đồng thời, phát huy tiềm năng khoáng sản, thu hút đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Nhiều đơn vị thi công, xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã “thở phào” khi được tháo gỡ khó khăn này. Bởi thời gian qua, Quảng Trị chỉ hiếm hoi vài mỏ đất làm vật liệu san lấp được cấp phép trong khi nhiều công trình cần thực hiện phần san lấp, vật liệu đất đắp này.

Để có đất phục vụ công trình, nhiều đơn vị phải chấp nhận mua đất từ tỉnh lân cận với giá cao gấp nhiều lần. Thậm chí, nhiều mỏ đất hoạt động trái phép gây nhức nhối dư luận trong thời gian vừa qua.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần