70 năm giải phóng Thủ đô

Quảng Trị: Thấp thỏm bên những bờ sông sạt lở

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp những hiểm nguy rình rập khi sạt lở sát ngay vách tường, những hộ dân sinh sống dọc theo bờ sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị) vẫn chưa di dời vào nơi ở mới.

Chập chờn giấc ngủ
Bên nhà chị Hồ Thị Nhung (thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị), vài người hàng xóm kéo nhau ra mé sông nhìn xuống bên dưới khi cơn mưa lớn đổ xuống những ngày nay. Nơi đó, nước sông Thạch Hãn kéo về cuồn cuộn, đục ngầu đang xói dần sát vách nhà.
Phía sau căn nhà chị Nhung, toàn bộ phần đất phía bờ sông sụt lún “ăn” sâu vào sát nền nhà, những vết nứt chân chim chạy khắp các bức tường. Có lẽ, thêm một trận lũ lớn, căn nhà trôi theo dòng nước bất cứ lúc nào.
“Nhà mình thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ di dời nhưng cả cơ ngơi ở đây sao bỏ đi được. Biết nguy hiểm đó nhưng đành vậy. Nhiều đêm ngủ giật mình thon thót! Chừ thì sạt lở sau cũng ra trước mà ở thôi”, chị Nhung băn khoăn.
Căn nhà của bà Ngô Thị Thủy và chị Nhung có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào nhưng họ vẫn không mặn mà di dời vào nơi ở mới tránh nguy hiểm.
Ngay cạnh nhà chị Nhung, căn nhà bà chị Thị Thủy thảm cảnh hơn khi phần tường phía sau ngôi nhà trong tình trạng đổ sụp bất cứ lúc nào. Những đứa con của chị Thủy đành phải gửi về ngoại khi không dám ở trong căn nhà này. Riêng chị bám trụ bởi toàn bộ tài sản vẫn chưa thể di chuyển đi nơi khác.
Hơn 30 năm sinh sống nơi này, chị Thủy vẫn bịn rịn: “Đợt lũ năm 2020 đã cuốn khoảng 10m đất từ bờ sông vào sát vách tường, nhà cũng nứt nẻ hết rồi chú ơi. Nhưng giờ đành ở tạm thôi, vô khu tái định cư cũng chưa biết làm gì mà sinh sống cả”.
Sạt lở dọc bờ sông Thạch Hãn đoạn qua xã Hải Lệ kéo dài khoảng 3km đe dọa đến hàng chục hộ dân sinh sống nơi đây. Đặc biệt, trận lũ lịch sử năm 2020 đã khiến tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn khiến tính mạng hàng trăm người dân đang bị đe dọa khi họ vẫn cố bám trú trong những căn nhà rình rập hiểm nguy.
Dọc theo bờ sông Thạch Hãn qua địa bàn xã Triệu Phong, thị xã Quảng Trị bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Không chỉ đoạn qua xã Hải Lệ, dọc theo bờ sông Thạch Hãn, tình trạng sạt lở đe dọa ngày càng nghiêm trọng hơn. Mỗi năm, vào mùa mưa lũ tình trạng này diễn ra đe dọa đến đất sản xuất, đất ở của những người dân sinh sống bao đời nay dọc theo con sông này.
Trong đợt mưa lũ tháng 5 vừa qua, khoảng 1km bờ sông Thạch Hãn (đoạn qua thôn Đại Thượng Hạ, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) sạt lở nghiêm trọng, có nơi ăn sâu vào bên trong 10 - 20m đất. Theo phản ánh của người dân, ngoài việc mưa lũ ngày càng cực đoan thì tình trạng khai thác cát trái phép tại khu vực thôn trong thời gian quan đã khiến tình trạng sạt lở ngày càng phức tạp.
Bà Đoàn Thị Hiền (thôn Đại Thương Hạ) lo lắng: 17 năm ở nơi đây thì trong 5 - 7 năm qua, tình trạng sạt lở bờ sông mới diễn ra ngày càng dữ dội hơn. Trước đây, có thể lội qua sông vào mùa khô, giờ lòng sông sâu đến vài mét nước. Hàng chục mét đất canh tác sau nhà giờ cũng bị “hà bá nuốt” hết.
5 năm vẫn chưa xong
Trước tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng diễn ra dọc bờ sông Thạch Hãn, UBND tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân. Trong đó, có Dự án xây dựng công trình di dân khẩn cấp khỏi vùng ngập lụt và sạt lở bờ sông Thạch Hãn (xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị), với mục tiêu di dân khẩn cấp 60 hộ với gần 300 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm.
Dự án có diện tích sử dụng đất 35,55ha với tổng mức đầu tư hơn 39,1 tỷ đồng, do Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư.
Thế nhưng, sau 5 năm được phê duyệt (từ tháng 8/2016), đến giờ này chỉ vẻn vẹn có 2 hộ dân di dời vào nơi ở mới. Một phần người dân chấp nhận “đánh đu” mạng sống của mình, phần nữa việc thực hiện khu tái định cư mang tính “khẩn cấp” nhưng triển khai chậm chạp.
Đến thời điểm này, dự án đã 3 lần gia hạn vào tháng 5/2019, tháng 5/2020 và tháng 12/2020 nhưng vẫn chưa thể hoàn thành và bàn giao.
 Khu di dân khỏi vùng ngập lụt, sạt lở nguy hiểm nhưng 5 năm qua vẫn chưa thể hoàn thành.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Hoàng Minh Trí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị: Dự án kéo dài do nhiều nguyên nhân, như vướng mặt bằng, thủ tục trình thẩm định, phê duyệt đền bù giải phóng mất nhiều thời gian. Chưa kể, trong giai đoạn thi công gặp thời tiết bất lợi, khối lượng chủ yếu phần đất nên khó khăn trong việc triển khai thi công.
“Chúng tôi đã chấm dứt hợp đồng với Công ty TNHH xây dựng Hoàng Nguyên do không hoàn thành phần việc còn lại, và đã chọn một nhà thầu khác vào thi công phần khối lượng còn lại của dự án. Dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021 nếu thời tiết thuận lợi”, ông Hoàng Minh Trí cho biết thêm.
Không chỉ dự án triển khai chậm chạp mà người dân bị ảnh hưởng không mặn mà với nơi ở mới, khi khu vực sinh sống nằm xa khu dân cư và cách trung tâm thị xã Quảng Trị xa hơn nơi ở cũ. Dù dự án bố trí đất ở rộng rãi, điện, đường, trường học mầm non nhưng những hộ đồng ý di dời chỉ trên đầu ngón tay.
Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh Quảng Trị vào tháng 12/2020, toàn tỉnh có trên 112km bờ sông bị sạt lở.
Lý do nhiều người dân không đồng thuận bởi khu vực mới khó buôn bán, trong khi đó đa phần những hộ dân trong vùng ảnh hưởng đã quen nghề buôn bán dọc theo tuyến đường sát bờ sông bấy lâu nay. Chưa kể, với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ cùng với đất ở, nhiều hộ không đủ tiền để xây dựng nhà ở mới nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu.
“Ngoài 2 hộ đã vào xây dựng nhà ở, các hộ còn lại chính quyền địa phương tiếp tục vận động để người dân sớm chuyển nhà ở vào khu vực dự án, đảm bảo tính mạng và tài sản. Tuy nhiên, để người dân chuyển đến nơi ở mới cần phải có thời gian và lộ trình. Do đó, các cấp chính quyền tiếp tục tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân”, ông Hoàng Minh Trí chia sẻ.