Theo quy hoạch, Quảng Yên trở thành thành phố vào năm 2025, là trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng biển logistics, đạt đô thị loại II trước năm 2030.
Cùng với thành lập thành phố Quảng Yên, sẽ thành lập 2 phường gồm Tiền An và Hiệp Hoà trên cơ sở 2 xã Tiền An, Hiệp Hoà.
Thị xã Quảng Yên hiện có 333,70 km2 diện tích tự nhiên, dân số quy đổi là 210.602 người; có 19 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 11 phường và 8 xã). Xã Hiệp Hòa có 9,52 km2 diện tích tự nhiên và dân số 12.533 người, trong khi xã Tiền An có 11,38 km2 diện tích tự nhiên và dân số 10.808 người.
Qua công tác rà soát, đánh giá hiện trạng, thị xã Quảng Yên và các xã Hiệp Hòa, Tiền An đã cơ bản đạt đủ các tiêu chuẩn thành lập thành phố và phường theo quy định.
Thị xã Quảng Yên có nhiều lợi thế về địa lý, đường biển, đường sông, sau khi TP Hải Phòng xây xong cầu bến Rừng thì Quảng Yên càng có nhiều lợi thế về đường hàng không khi gần với sân bay Cát Bi….
Quảng Yên cũng là khu giao thương quan trọng với vùng kinh tế trọng điểm của khu vực Bắc Bộ. Có nhiều cơ hội để phát triển hội nhập kinh tế, giao lưu thương mại và là một phần của trục kinh tế động lực Hải Phòng - Hạ Long trong tiến trình phát triển kinh tế liên vùng.
Quảng Yên là vùng đất có tiềm năng và lợi thế lớn để trở thành “trạm trung chuyển quốc tế”, phát triển thành vùng kinh tế động lực ở tỉnh Quảng Ninh nói riêng, vùng Bắc Bộ nói chung. Cùng với sự phát triển và đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hiện quỹ đất của Quảng Yên còn nhiều, là điều kiện cần thiết để thị xã Quảng Yên quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN), cảng biển và dịch vụ logistics.
Để tiếp tục đưa thị xã Quảng Yên phát triển đột phá trong thời gian tới, thị xã Quảng Yên được tỉnh Quảng Ninh xác định phát triển thành đô thị hiện đại, thông minh, trung tâm công nghiệp chế biến chế tạo của tỉnh và cả vùng. Nhiệm vụ trọng tâm đối với Quảng Yên là hoàn thiện hạ tầng khu kinh tế ven biển Quảng Yên, hạ tầng các khu công nghiệp để thu hút nhiều nhà đầu tư; phấn đấu để trở thành thành phố vào năm 2025…
![Quảng Yên phấn đấu trở thành thành phố thứ 6 trực thuộc tỉnh Quảng Ninh. Ảnh TTT](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/10/image-daidoanket-vn-images-upload-07192022-b9eeb9f7-eef7-4a48-af88-0574a38c2b8e-183e91a4.jpg)
Trên địa bàn thị xã hiện có 5 KCN: Đông Mai, Sông Khoai, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong, Bạch Đằng. Hiện, KCN Đông Mai thu hút được 26 dự án đầu tư thứ cấp (25 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký là 627,327 triệu USD và 1 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký là 200 tỉ đồng). KCN Sông Khoai thu hút được 16 dự án đầu tư thứ cấp (100% là dự án FDI) với vốn đầu tư đăng ký đạt 2,440 tỷ USD. KCN Nam Tiền Phong đã thu hút được 2 dự án đầu tư thứ cấp (100% là dự án FDI) với vốn đầu tư đăng ký đạt gần 72 triệu USD. KCN Bắc Tiền Phong thu hút được 16 dự án đầu tư thứ cấp (gồm 11 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 475,353 triệu USD và 5 dự án trong nước với vốn đầu tư đăng ký trên 42.380 tỷ đồng). KCN Bạch Đằng đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nên chưa có quỹ đất để thu hút các dự án đầu tư thứ cấp.
Ngoài ra, huyện Hải Hà và thành phố Móng Cái sẽ sáp nhập với nhau để trở thành một thành phố mới, đạt chuẩn đô thị loại 1 trước năm 2030; tái lập thị xã Tiên Yên vào năm 2027…
Theo Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh, đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính với 13 đô thị. Đến năm 2030, toàn Quảng Ninh sẽ có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, với 12 đô thị, trong đó có 7 thành phố: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn và thị xã Tiên Yên; cùng các huyện: Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà, Cô Tô.
Hiện Quảng Ninh có 5 thành phố gồm: Hạ Long, Uông Bí, Đông Triều, Cẩm Phả, Móng Cái, trong đó thành phố Đông Triều được thành lập cuối năm 2024.