Quay cuồng trong bão giá, người làm công ăn lương mong giảm thuế thu nhập

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh giá cả, dịch vụ leo thang, nhưng mức thu nhập của người dân không tăng. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nên điều chỉnh mức thuế thu nhập cá nhân (TNCN), để chính sách vừa đảm bảo hiệu quả, vừa là động lực cho phát triển kinh tế.

Thu nhập giảm, chi phí tăng

Nền kinh tế còn nhiều khó khăn và đang dần vực dậy sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng từ nhiều tháng nay, giá cả các mặt hàng thiết yếu lại không ngừng leo thang. Điều này khiến cho cuộc sống của người dân vốn đã khó lại càng thêm khó hơn.

Hai vợ chồng chị Thái Thị Thu Huyền (ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) sau khi giảm trừ gia cảnh con nhỏ, phải đóng thuế TNCN ở bậc 2 khoảng 10%. Tuy nhiên, với giá cả hàng hóa, dịch vụ leo thang khiến cuộc sống của gia đình chị vốn eo hẹp nay càng khó khăn hơn. Chị Huyền than thở: “Chỉ có những bà nội trợ mới thấm thía câu chuyện cân đối “thu – chi” trong bối cảnh bão giá này. Bởi lương không tăng, nhưng từ mớ rau, quả trứng đến chai dầu ăn, nước mắm… đều đã tăng giá từ 10 – 30% so với đầu năm. Để đảm bảo đủ chi tiêu trong 1 tháng, gia đình tôi buộc phải tính toán cắt xén bớt một phần chi phí ăn uống hàng ngày”.

Hình minh họa
Hình minh họa

Cũng phải co kéo đồng lương ít ỏi, vợ chồng chị Nguyễn Thị Loan ở Thanh Xuân nhẩm tính, với hai con nhỏ trong độ tuổi mầm non và tiểu học, trung bình mỗi tháng chỉ tính riêng chi phí cứng như tiền học, sữa, bỉm… cho các con cũng hết khoảng trên 10 triệu đồng. Vì vậy, khoản giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc sau nhiều năm đến nay đã không còn phù hợp. “Trong bối cảnh mọi chi phí đều tăng, những người làm công ăn lương như chúng tôi mong mức giảm trừ gia cảnh tăng lên mới đủ sinh hoạt cho con nhỏ” – chị Loan bày tỏ.

Nhiều người bày tỏ lo lắng khi thu nhập không hề tăng nhưng các loại thuế phí lại bủa vây người dân, trong số này có thuế thu nhập cá nhân. Quy định về mức giảm trừ gia cảnh đã quá lỗi thời trước bối cảnh "bão giá" và không còn phù hợp với hiện tại. Cần có sự điều chỉnh lại để chia sẻ với gánh nặng của người dân.

 

Theo quy định hiện hành, có 10 khoản thu nhập thuộc diện chịu thuế TNCN với các mức thuế suất và cách tính khác nhau, trong đó duy nhất thu nhập từ tiền lương, tiền công áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần (thuế suất 5-35%), còn các khoản thu nhập khác áp dụng theo thuế suất toàn phần. Vì vậy, ngay trong sắc thuế TNCN thì đã có nhiều quy định chưa công bằng cho người nộp thuế.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho biết, từ tháng 7/2020, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế được điều chỉnh từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/người/tháng và với mỗi người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng. Xong mức trên vẫn được xem là lạc hậu trong bối cảnh nền kinh tế không ngừng tăng trưởng, giá cả hàng hóa, dịch vụ leo thang.

Ngoài ra, với 7 mức thuế như hiện nay cũng là quá nhiều, nên giảm số bậc tính thuế để tạo động lực cho người lao động. Hiện nay, có nhiều đơn vị áp dụng mức lương khoán theo năng suất. Nhưng khi người lao động cố gắng phấn đấu để có mức thu nhập cao hơn, thì lại nghĩ đến câu chuyện nộp thuế, do đó, người lao động không làm hết khả năng, ảnh hưởng đến năng suất chung.

Nên điều chỉnh lại mức tính thuế

Chỉ ra những bất cập trong cách tính thuế TNCN, TS Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, quy định nộp thuế TNCN hiện nay còn nhiều bất cập về yếu tố công bằng mang tính tương đối giữa các nhóm lao động, giữa thu nhập theo vị trí địa lý. Lương của người lao động được phân chia rất cụ thể, thành bốn vùng khác nhau, với mức chênh lệch khá tương đối; giả thiết là với cùng một mức thu nhập nhưng ở các địa bàn khác nhau thì mức giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc cũng nên khác nhau. Ở vùng sâu, vùng xa, mức giảm trừ gia cảnh với người lao động là 11 triệu, người phụ thuộc là 4,4 triệu, có thể dư giả, nhưng ở vùng thành thị - nơi có mức sống cao, mọi thứ đều đắt đỏ thì mức giảm trừ gia cảnh như vậy là không đủ sống.

Trên thực tế, chính sách thuế tại nhiều quốc gia cũng không cào bằng mức giảm trừ gia cảnh, một phần do họ xác định và khấu trừ được chi phí đầu vào của người dân nhờ thanh toán không tiền mặt phát triển. “Do đó, Bộ Tài chính cần thay đổi cách tính mức thuế TNCN. Trong việc điều chỉnh trước hết dựa vào tính thời đại, thực tiễn, công bằng, thực thi. Sau đó, tính đến lợi ích hài hòa của các thành phần trong xã hội. Phải thu thuế làm sao để kích thích người dân hăng say lao động” – TS Lê Xuân Sang nêu ý kiến.

 

" Nhà nước cần xem xét giảm thuế TNCN cho người lao động. Điều này là cần thiết và nên làm vì nó giúp kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực cho phục hồi sản xuất, kinh doanh" - PGS, TS Đinh Trọng Thịnh.

Chung quan điểm này, Trưởng ban Chính sách Hội tư vấn và Đại lý Thuế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cho rằng, Chính phủ cần trình Quốc hội để có giải pháp miễn giảm thuế TNCN cho từng đối tượng ở bậc 1, bậc 2. Vì những đối tượng này có thu nhâp thấp, hoặc giảm thuế ở những đối tượng có thu nhập cao hơn.

Trên thực tế, những đối tượng đang phải đóng thuế TNCN ở bậc 1, bậc 2 hiện nay chỉ mới đủ sống với chi phí đắt đỏ. Giá hàng hóa tăng cao sẽ khiến họ bị ảnh hưởng vì phải tiết kiệm hơn, không còn lực để chi tái tạo sức lao động, học hành nâng cao tay nghề. Nhà nước cần xem xét lại hệ số thuế TNCN mới cho người lao động và tăng mức giảm trừ gia cảnh. Bởi mức thuế TNCN hiện nay không còn phù hợp với giá cả hiện tại.

Trong bối cảnh khả năng lạm phát cao hơn, công chức, viên chức 2 năm nay chờ tăng lương mà không tăng được, quan trọng nhất lúc này cần đảm bảo đời sống của người dân.