Quê hương Ngô Quyền ở Hà Nội hay ở Thanh Hóa, Nghệ An?

Việt Trang - Khánh Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 25/3, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Ngô Quyền với sự nghiệp trung hưng đất nước” mở đầu cho chuỗi các hoạt động kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng vương, định đô tại Cổ Loa (939 - 2019).

Tới dự hội thảo có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý; đại diện các nhà khoa học của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học, Viện Khảo cổ học...

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý khẳng định: “Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền có ý nghĩa lịch sử to lớn, là mốc son chói lọi chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc; phá tan mưu đồ "đồng hóa" của chủ nghĩa Đại Hán tộc; mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - Kỷ nguyên phát triển của quốc gia phong kiến độc lập, tự chủ, trên đất nước Việt Nam.

Chiến thắng đó đã để lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý, nhất là nghệ thuật đánh bại quân xâm lược ngay từ cửa ngõ đất nước. Đồng thời, chiến thắng Bạch Đằng lịch sử là cơ sở có ý nghĩa quyết định để mùa Xuân năm 939, Ngô Quyền tiến lên xây dựng một chính quyền hoàn toàn độc lập. Ông xưng Vương hiệu, định đô ở Cổ Loa - kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời An Dương vương và trị vì từ năm 939 đến năm 944”.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cũng cho biết: Trải qua 1080 năm, để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ đến vị Vua đầu tiên trong lịch sử nước ta, vị Tổ Trung hưng của đất nước, từ đó, phát huy tinh thần yêu nước, ý thức tự chủ, tự cường và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, xứng đáng với truyền thống kiên cường của các thế hệ, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội triển khai kế hoạch nghiên cứu và phát huy giá trị các nguồn tư liệu liên quan đến Ngô Quyền tại Cổ Loa.

Toàn cảnh buổi hội thảo sáng 25/3
Với 16 bản tham luận, Hội thảo tập trung làm rõ 3 vấn đề chính, bao gồm: Thân thế, sự nghiệp Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng năm 938; Công cuộc xưng vương, định đô ở Cổ Loa; Những di sản liên quan đến Ngô Quyền.
Về quê hương của Ngô Quyền, đa số các nhà khoa học đều nhất trí là ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), nhưng bên cạnh đó một số ý kiến chưa thống nhất, cho rằng quê hương ông ở Đường Lâm (Thanh Hóa), hoặc cũng có nhiều chứng cứ cho thấy quê hương ở Ngô Quyền ở Nghệ An hoặc Hà Tĩnh.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Minh Tường - người được giao nhiệm vụ tham gia vào bộ Quốc sử Việt Nam với giai đoạn thế kỷ thứ IX và thứ X khẳng định, giới sử học đều đưa ra các bằng chứng thống nhất quê Ngô Quyền ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội). "Nếu quê hương ông ở Nghệ An, Hà Tĩnh, hay Thanh Hóa… thì cho tôi hỏi ở làng nào, tại sao đến nay không có dấu tích di tích hoặc di sản… Nếu có tại sao người dân lại xóa dấu tích của ông cha mình? - PGS Nguyễn Minh Tường khẳng định.
Về chiến thắng Bạch Đằng năm 938, các bài tham luận đều đánh giá cao trận chiến lẫy lừng đánh tan quân Nam Hán, chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc, giành lại nền độc lập tự chủ cho đất nước. Các đại biểu cho rằng việc Ngô Quyền xưng vương, đóng đô, đặt quan chức, triều nghi thời ấy tuy còn đơn giản, nhưng có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn. Ông là người tạo ra những bước bản lề cho xã hội Việt Nam thế kỷ X, người có những đóng góp to lớn vào tiến trình lịch sử dân tộc.