Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quê nhà, đất nước, tình người trong hành trình “Đi tìm một vì sao”

Trần Bảo Định
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày ấy, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang hồi ác liệt, chàng sinh viên Phạm Quang Nghị rời giảng đường đại học thân yêu đi vào chiến trường miền Nam.

Với lòng nhiệt huyết của tuổi thanh xuân và ngòi bút rất giàu cảm xúc, ông kịp ghi lại những bước thăng trầm đời người cùng năm tháng sống chiến đấu bằng máu thịt của mình. “Đi tìm một vì sao” là những ký ức sống động, hào hùng; vừa có giá trị tư liệu vừa có giá trị văn chương, thật đáng trân quý.

Quê nhà: nỗi nhớ, niềm thương

Phạm Quang Nghị lớn lên bên dòng sông Mã. Hình ảnh dòng sông quê nhà luôn in sâu trong trí tưởng của ông. Nói về quê mình, Phạm Quang Nghị dành một tình yêu tha thiết, thái độ trân trọng nâng niu và một giọng văn bồi hồi, ít nhiều khắc khoải. Làng Hoành của hơn bảy mươi năm về trước hiện lên tươi thắm, hiền hòa, đong đầy thương nhớ.

“Làng tôi, đó là nơi tổ tiên các cụ kỵ, ông bà, cha mẹ của tôi, đời này qua đời khác, cùng với bà con trong làng gắn bó bằng mồ hôi của sự cần cù, siêng năng lao động, no đói, tắt lửa tối đèn sớm tối có nhau, cùng xây dựng nên làng. Làng tôi, may mắn thay, từ bao đời đã là một làng ven sông, thuộc bờ Nam sông Mã. Con sông mùa Thu hiền hòa, biêng biếc nước xanh; mùa hạ thì dữ dội, phù sa cuộn đỏ. Con sông góp phần làm nên tính cách, tâm hồn, khí chất con người xứ Thanh, con người quê tôi” (tr.17).

Lãnh đạo TP Hà Nội tặng hoa chúc mừng nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Hải
Lãnh đạo TP Hà Nội tặng hoa chúc mừng nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Hải

Tác giả "Đi tìm một vì sao" bồi hồi nhận ra mối liên kết không thể phai mờ giữa thân tâm cùng khí phách cốt cách con người xứ Thanh - cũng là sự kết hợp hòa quyện giữa tâm hồn nhạy cảm, yêu cái đẹp, giàu chất thi ca ở Phạm Quang Nghị.

Kể chuyện quê nhà, Phạm Quang Nghị thể hiện qua chất giọng tươi tắn, bộc lộ tình yêu làng nghĩa trọng xóm và đồng thời, tự hào về bề dày lịch sử của làng Hoành - nơi chôn rau cắt rốn của ông.

Tác giả là người am tường lịch sử vùng đất, con người, biết rất nhiều truyện dân gian, ca dao, tục ngữ và thơ ca liên quan đến quê hương mình. Đó là minh chứng cho tình yêu quê hương trong sáng! Đồng thời, độc giả còn nhìn thấy kiến văn rộng rãi, uyên bác của người viết. Ví như bài thơ của cụ Cửu phẩm văn giai Phạm Quang Bật, bài minh khắc trên chuông của GS Vũ Khiêu ca ngợi công đức của Đức bà Công chúa Phương Hoa; những tư liệu gốc về địa bạ triều Nguyễn năm Minh Mạng thứ 11 (1830) về làng của ông. Nổi bật hơn cả, là sự gắn bó mật thiết với văn hóa dân gian và tâm hồn người dân. Có lẽ, do chịu ảnh hưởng từ bà nội: “Khác với ông, bà nội tôi không biết dẫn văn chương, triết lý của các bậc thánh hiền. Bà cứ dẫn ca dao, tục ngữ. Cứ diễn nôm bằng những câu nói cửa miệng dễ nhớ, dễ thuộc của thế gian để dạy con, dạy cháu” (tr.32).

Dù được học tập có căn cơ nền tảng từ trong mái ấm gia đình đến giáo dục trường ốc, lại trải qua quá trình phấn đấu rèn luyện và nâng cao kiến văn, nhưng gốc rễ văn hóa dân gian quê nhà vẫn sâu đậm trong tâm hồn ông. Tình yêu và sự gắn bó với những con người bình dân trong tâm hồn Phạm Quang Nghị theo năm tháng không hề phai nhạt.

Quê nhà trong tâm tưởng Phạm Quang Nghị hiện lên rất đỗi thân thương, bình dị. Những điều tưởng chừng đơn sơ, mộc mạc nhưng đọng lại trong tâm hồn con người ta suốt cả cuộc đời. Và, có thể nói, quê nhà là hành trang tâm tưởng để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong suốt chặng đường đời: “Làng tôi, có những bến sông lung linh sóng nước. Có gió nồm nam mát rượi khi trăng lên. Có bãi bờ ngô, dâu dệt một màu tươi xanh làm đẹp bờ Nam sông Mã”.

Dù nặng lòng thương mẹ và quê nhà, Phạm Quang Nghị vẫn quyết tâm lựa chọn chốn sa trường để được trọn nghĩa với đất nước. Ngày đi: “Chào mẹ con đi để được làm người”. Ngày về, Phạm Quang Nghị gọi thầm: “Mẹ ơi mẹ, con đang về với mẹ đây!”. Dù ở đâu, làm gì, Phạm Quang Nghị luôn gắn chặt lòng mình với quê nhà, với tình mẹ thiêng liêng! Và cao hơn hết, là tình yêu Tổ quốc.

Sau bao năm xa quê để học tập, chiến đấu, làm việc, nghỉ hưu, Phạm Quang Nghị trở lại quê nhà bằng tất cả sự hồ hởi, niềm phấn khởi... ùa vào vòng tay thương yêu của gia đình, chòm xóm. Phạm Quang Nghị vẫn là đứa con của làng Hoành, là bạn của “đám trẻ chăn bò, cắt cỏ” từ thời thơ ấu, nay đã lên chức ông bà, trên đầu đều hai thứ tóc, vẫn nhớ dây cày hồi mười bốn tuổi với ông cố Chánh, ông Mạn, anh Thược, chị giáo Khanh, chị Hảo… vẫn như đang sống ở tuổi ấu thơ những ngày chạy mót lúa trên đồng quê nhà. Ông ngập tràn xúc động, xin một chén rượu sum vầy mà ông - đứa con của làng, suốt mấy mươi năm khát khao chờ đợi!

Đất nước: gian lao và anh dũng

Kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở vào giai đoạn ác liệt nhất! Chàng sinh viên họ Phạm vừa hoàn thành năm thứ III Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã đáp lời sông núi: xếp bút nghiên, cầm súng! Tác giả tập tự thuật đi vào cuộc chiến ở lứa tuổi đôi mươi, tâm hồn sục sôi nhiệt huyết và sự quyết tâm. Nhưng “chiến tranh không phải trò đùa”! Chiến tranh thực sự “đã khiến con người ta dạn dĩ, can đảm và tháo vát hơn” như chính lời thổ lộ của Phạm Quang Nghị. Trui rèn qua bom đạn chiến trường, tâm hồn người trai trẻ như thép đã tôi.

Bìa sách “Đi tìm một vì sao”.
Bìa sách “Đi tìm một vì sao”.

Chỉ mới qua một năm (từ 15/4/1971 lên đường ra trận tới tháng 5/1972), Phạm Quang Nghị trưởng thành và dày dạn. Nhớ hồi mới rời mái trường đại học đi vào chiến trường miền Nam, mấy ai không tránh khỏi bỡ ngỡ.

“Dường như việc gì cũng mới lạ. Ai nấy vội vã tản ra tìm nơi mắc võng… đèn pin soi phải bọc qua lớp khăn mùi xoa cho bớt sáng nhằm phòng tránh máy bay địch. Ai nhỡ tay lia ánh sáng lên cao một chút là lập tức hàng chục tiếng đồng thanh quát to: “Đèn thằng nào đấy? Muốn chết cả lũ à?” (tr.106). Nhưng chỉ một năm sau đó: “Chúng tôi ở trong một ngôi nhà vắng chủ giáp hai mặt đường.

Đề phòng địch còn cài người lại, hoặc thám báo biệt kích từ trong rừng ban đêm lẻn về tập kích, ban ngày chúng tôi sinh hoạt ở nhà này nhưng tối lại ngủ ở nhà khác. Sau thời gian dài sống ở rừng, ngủ võng đã quen, bây giờ có giường, có nệm nhưng cả mấy anh em vẫn phải tìm cột để mắc võng” (tr.177 - 178).

Thay đổi để trưởng thành hơn, nhưng có một điều ở Phạm Quang Nghị vẫn không thay đổi, đó là tâm hồn nhạy cảm, tình thương dành cho con người và cũng thương những con vật điêu linh trong lửa đạn! Qua lời kể của Phạm Quang Nghị, bạn đọc trẻ tuổi hôm nay khó mà hình dung nổi “vượt qua giới hạn chịu đựng của con người” là như thế nào! “Chiến tranh vô vàn tình huống khốc liệt, dù ai đó có giầu trí tưởng tượng đến đâu cũng không thể lường hết được những nỗi thống khổ kinh hoàng... Những cái chết luôn đến một cách bất ngờ, người sống và người chết đều không ai biết là sẽ chết” (tr.179 - 180).

Nhưng, sự khốc liệt của chiến tranh không làm ông sợ hãi, mà chỉ thổi bùng lên khát vọng hòa bình trong tâm hồn của Phạm Quang Nghị và thế hệ của ông. Thường trực ở giữa làn ranh mong manh: sống và chết nhưng ông vẫn nhìn thấy hình ảnh đàn chim câu từ phía chợ Phước Lục bay dưới bầu trời xanh nghiêng bóng nắng chiến hào, “Bầy chim nhởn nhơ chạy tung tăng trên con đường đỏ thẫm, theo bước những người chiến sĩ, vai vác súng, lưng mang bồng” (trích Nhật ký – tr.177). Chấp nhận giới hạn vượt mức chịu đựng của con người để có cơ hội làm người - một con người của đất nước tự do! Đó cũng là lời chào của Phạm Quang Nghị dành cho mẹ thân yêu trước khi lên đường ra trận.

Và, từ trang tự thuật của Phạm Quang Nghị, đất nước hóa thành thơ. Trong nhật ký bằng thơ của Phạm Quang Nghị, độc giả có thể dễ dàng tìm thấy cỏ rất xanh và bầu trời bát ngát. Có thể nói, giữa bối cảnh chiến trường đang hồi ác liệt, bài thơ mở đầu với câu “Ơi dòng sông Bé miền Đông” như một tiếng gọi thân thương và hồn hậu. Một trong những bài chân thực, xúc động và đẹp đẽ về mảnh đất miền Đông Nam Bộ "Gian lao mà anh dũng"!:

Ơi dòng sông Bé miền Đông,
Một dải xanh trong chảy qua miền thương nhớ.
... Đất giải phóng con sóng reo hớn hở
Một dòng trôi lấp lánh nắng hè
Thắng trận về lớp lớp quân đi
Nao nức cả bờ tre xanh mát.

Trích Rừng Phước Long, tháng 5/1972 (tr.203 - 204)

Một đặc điểm khác, trong nhật ký bằng thơ của Phạm Quang Nghị, chính là chiều kích của không gian nghệ thuật. Bởi lẽ, tác giả sử dụng nhiều lần hình ảnh “bầu trời” và “ánh sáng”. Chiều kích không gian rộng lớn, khoáng đạt, tươi tắn, trong lành… gợi ra cảm thức vui tươi, náo nức và tin tưởng. Đất nước của Phạm Quang Nghị không phải hình tượng một đất nước chung chung, cao ngất như tượng đài uy vệ. Ngược lại, đất nước dưới ngòi bút của ông là những con người sống động, đang sinh hoạt và chiến đấu… từng sống một thời như thế, chắc hẳn sẽ thao thức trăn trở như bao đợt sóng ký ức ào ào trở về. Đó là thanh âm của đất nước trong những năm tháng chống quân xâm lược.

Đất nước thống nhất, Phạm Quang Nghị và những người cùng thế hệ ông đã hoàn thành trách nhiệm lịch sử - thời đại, trách nhiệm của một thanh niên đối với đất nước. Ngày ra đi sẵn lòng, ngày trở về nhẹ lòng, trong ba lô chỉ có vài món đồ cũ kỹ cùng rất nhiều kỷ niệm với vùng đất phương Nam.

Khoảng thời gian từ 15/4/1971 đến 9 giờ 35 phút sáng ngày 21/9/1975, từ ngày đầu tiên lên đường đi B cho tới khi lên tàu trở về quê cũ, Phạm Quang Nghị đã đi dọc chiều dài đất nước, lưu lại nhiều dấu ấn đáng nhớ, để lại nhiều kỷ niệm đáng quý và dường như tất cả “gia tài” của ông lại được chứa trong một chiếc ba lô bộ đội đã bạc màu chiến trận! Và, trong cái ba lô bộ đội đã bạc màu chiến trận không ai có thể ngờ, cái quý giá nhất lại là những cuốn nhật ký chiến trường, là… rất nhiều nghĩa tình sâu nặng, vấn vương!

Tình người: lưu luyến, sâu nặng

Từng là người lính cầm súng trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, Phạm Quang Nghị có giọng văn rắn rỏi, chân phương, bộc trực. Ông kể một cách “ngon trớn” không dè dặt, chần chừ mà niềm nở, thẳng thắn. Các câu chuyện được xâu chuỗi theo dòng thời gian tuyến tính. Dõi theo đó, độc giả cùng hành trình qua những chặng đường đời Phạm Quang Nghị; và trên chặng đường nào bạn đọc cũng nhận thấy nhiều ký ức vô giá: đầy ắp tình người!

Trong mái ấm gia đình, nhất ở thời thơ ấu, ông nội là người để lại dấu ấn sâu đậm nhất. Những bài học đạo đức của ông nội từ hồi thơ ấu, Phạm Quang Nghị vẫn còn nhớ rất kỹ đến hôm nay “Chăm làm điều thiện, điều tốt thì sẽ gặp được điều lành. Làm ác thì sẽ gặp ác. Đời mình chưa được, chưa gặp thì đời sau sẽ gặp”... Và ông nội chính là người đã hun đúc cho Phạm Quang Nghị tinh thần hiếu học, tiếp nối truyền thống của gia đình.

Bên cạnh ông nội, bà nội lại là người trao truyền cho Phạm Quang Nghị vốn kiến thức dân gian, dạy cho ông tình yêu lao động, đúc kết trong nhiều câu ca dao tục ngữ: “Ông tôi thì dạy chữ, bà tôi thì dạy làm. Ông đề cao nhân nghĩa. Bà đề cao cần cù … Ngoài việc đi học chữ ở lớp, ở trường, cho đến sau này cũng vậy, những lời giáo huấn trong gia đình của ông bà, bố mẹ là nguồn tri thức, luân lý ảnh hưởng vô cùng lớn đến tôi” (tr.33).

Vì hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn (bố cán bộ thoát ly, mẹ gồng gánh nuôi đàn con thơ dại), Phạm Quang Nghị sớm biết đỡ đần giúp mẹ việc nhà. Những năm tháng khó khăn, ông vẫn nhớ và thầm biết ơn những người từng giúp đỡ, những người dân quê mùa nhưng nồng nàn tình nghĩa. Họ cởi mở và sẵn lòng giúp đỡ những người gian khó, với tinh thần: “Thi ơn bất cầu báo”.

Với tuổi thanh niên giàu niềm tin và hy vọng, dẫu khó khăn, tác giả tập tự thuật vẫn luôn giữ một tâm thế lạc quan, phấn khởi, tươi vui. Thời đại học, dẫu thiếu thốn muôn phần nhưng vẫn không thiếu tình bạn chân thành, tình thầy trò sâu nặng.

Chúng tôi, lớp sinh viên của những năm tháng đất nước đang có chiến tranh… Nhưng chính trong những năm tháng ấy chúng tôi lại cảm nhận sâu sắc hơn bao giờ hết tình thương yêu của con người, tình thầy trò, bầu bạn luôn dành cho nhau. Và vượt lên tất cả là tình yêu đất nước, tin tưởng ở tương lai luôn cháy bỏng trong tim mỗi người (tr.72 - 73).

Rồi Phạm Quang Nghị đi vào chiến trường miền Nam, trên đôi vai người chiến sĩ vượt Trường Sơn, ba lô chẳng có tài sản gì đáng kể. Chỉ tình yêu quê hương đất nước và ý chí quyết tâm đánh giặc là lớn lao.

Trong những tháng ngày sống và chiến đấu, bám trụ vùng ven, Phạm Quang Nghị hầu như đã hòa nhập vào nếp sống lao động và tính cách con người Nam Bộ. Ông kể thời gian ở “vùng ven” bằng chất giọng vui tươi, với những từ vựng Nam Bộ mà ông vừa học được, bày tỏ tình mến thương với người dân quê nơi đây.

Những cái tên như Tư Le, Ba Lùng, Bảy Đực… hiện lên trong tâm tưởng Phạm Quang Nghị đầy mến thương, gần gũi; thể như người bà con máu mủ ruột rà. Và, ông còn hòa mình vào cá tính con người nơi đây với sự khảng khái, thẳng thắn, bộc trực, hào sảng, và “thiệt tình” hết sức.

Trải suốt hành trình gian lao cùng đất nước, mọi lúc, mọi nơi, hầu như chỗ nào cũng thấy tác giả thuật lại những mẩu chuyện xúc động về tình người. Phạm Quang Nghị không chỉ viết ra bằng ngòi bút mà ông chậm rãi thuật lại bằng con tim ngập tràn rung cảm. Dấu vết tháng năm in hằn trên trang viết chính là những câu chuyện về đất và người như thế, khiến tâm hồn tác giả vẫn mãi luyến thương.

Thay lời kết

Quê nhà: nỗi nhớ, niềm thương; đất nước: gian lao, anh dũng; tình người: lưu luyến, sâu nặng; chính là “hệ quy chiếu” của tập tự thuật “Đi tìm một vì sao”. Và, “Đi tìm một vì sao” - đúng hơn, hay chính là Phạm Quang Nghị đi tìm lại chính mình với vận mệnh của một người đã hòa vào vận mệnh của quê nhà, đất nước.

Một ngôi sao sáng, xanh, có thật trên bầu trời. Và một ngôi sao lý tưởng dẫn đường cho Phạm Quang Nghị. Cả hai vì sao đều có thật trong ông. Và đây, những dòng cuối trong cuốn sách: “Tôi muốn nói lời cảm ơn cuộc đời, những ân tình trên suốt dặm dài hơn hai phần ba thế kỷ bằng những trang kể lại những câu chuyện đời thường. Kể một cách chân thật và có thể là vụng về bởi thật lòng tôi không muốn vẽ vời, thêu dệt gì thêm cho những câu chuyện đã qua”. Phạm Quang Nghị Đi tìm một vì sao, vì sao ấy đích thực.