Sẽ đến lúc GDP của Ấn Độ vượt qua Trung Quốc?
Mười năm trước, hiếm ai suy nghĩ nhiều về câu hỏi này. Nhưng thời thế đang thay đổi. Nền kinh tế Trung Quốc hiện nay có thể lớn gấp 5 lần Ấn Độ, mặt khác Ấn Độ lại tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn Trung Quốc một cách đáng kể.
Kể từ năm 2010, nền kinh tế Ấn Độ đã vượt qua Anh, Pháp, Italia và Brazil về quy mô. Nhật Bản, quốc gia năm ngoái đã bị Đức bỏ lại để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, sẽ trở thành quốc gia tiếp theo tụt hậu so với Ấn Độ trong vài năm tới.
Trừ khi có một cú sốc lớn, nền kinh tế Ấn Độ đang trên đà nhích dần với quy mô tương đương Trung Quốc trong những thập kỷ tới.
Khó có thể dự đoán sản lượng của Ấn Độ có thực sự vượt qua sản lượng của Trung Quốc. Điều này còn phụ thuộc vào tốc độ giảm tốc của sản lượng Trung Quốc và thời gian Ấn Độ tiếp tục hưởng lợi từ các điều kiện thuận lợi cho đà tăng trưởng hiện nay. Các yếu tố đó bao gồm dân số đô thị hóa, mở rộng và sự quan tâm đầu tư của phương Tây.
Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm so với tốc độ hai con số trước đó kể từ năm 2010. Chính phủ năm nay chỉ đặt mục tiêu ở “khoảng 5%”. Tuy nhiên, với một nền kinh tế có GDP bình quân đầu người trên 10.000 USD, mức tăng trưởng 5% sẽ là mức được đánh giá cao. Hàn Quốc là quốc gia duy nhất đạt được cột mốc thu nhập đó và sau đó duy trì mức tăng trưởng GDP trung bình trên 5% trong một thập kỷ nữa.
Tăng trưởng của Trung Quốc có thể trải qua thăng trầm trong những năm tới, nhưng sự giảm tốc về cơ cấu là một thực tế. Mọi yếu tố đằng sau tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chững lại, bao gồm những đóng góp tiềm năng từ lao động, năng suất lao động và đầu tư.
Nếu không có những cải cách cơ cấu lớn, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn khoảng 2,4% vào năm 2035. Sau đó, tốc độ này sẽ tiếp tục chậm lại khi tốc độ đô thị hóa của Trung Quốc, hiện ở mức 60%, tiếp cận 75% các nền kinh tế phát triển. Khi dân số chung của đất nước giảm, tốc độ tăng trưởng hàng năm có thể dao động quanh mức 1%, giống như Nhật Bản ngày nay.
Ấn Độ đang ở một thời điểm rất khác trong quá trình phát triển. Suốt thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng trung bình của nước này là khoảng 7%, một con số bền vững vì ngay cả với quá trình đô thị hóa gần đây, chỉ có khoảng 35% dân số sống ở các thành phố.
Ấn Độ cũng có thể được kỳ vọng sẽ thu hút thêm đáng kể đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất. Vai trò trung tâm của Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, được neo giữ bởi dân số đông nhất thế giới và nền kinh tế đang phát triển, sẽ thu hút sự quan tâm của Mỹ. Liên minh châu Âu cũng mong muốn Ấn Độ tiếp tục đà tiến và cạnh tranh thị trường xuất khẩu với Trung Quốc.
Một điều không chắc chắn trong bức tranh này liên quan đến đổi mới của Trung Quốc. Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển của nước này đã ngang các nền kinh tế phát triển, mặc dù vẫn thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc hoặc Mỹ. Khoản đầu tư này mang lại kết quả khi Trung Quốc nhanh chóng tiến lên trong nhiều ngành công nghiệp. tạo đột phá ở một số lĩnh vực khoa học.
Tuy nhiên, động lực đổi mới này dường như không tạo ra bất kỳ sự tăng năng suất nào xét theo năng suất nhân tố tổng hợp của Trung Quốc.
Suy ngẫm về kinh nghiệm của Trung Quốc, Ấn Độ sẽ cần phải nỗ lực hơn nữa trong chương trình nghị sự “cải cách và mở cửa”.
Những động thái cải cách của chính phủ Thủ tướng Narendra Modi trong nhiệm kỳ thứ hai sắp kết thúc cho thấy ông đã nhận được thông điệp. Vẫn còn câu hỏi mở về việc ông sẽ đi theo hướng nào nếu giành được nhiệm kỳ thứ ba, như dự kiến, khi người dân Ấn Độ đi bỏ phiếu sắp tới.