Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội bàn về cơ chế, chính sách đặc thù cho 4 tỉnh, thành phố: "Cú huých" cho địa phương có tiềm năng

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 27/10, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng; các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế. Các đại biểu đồng tình, để tạo nên một "cú huých" cho các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển nhanh thì phải có cơ chế, chính sách đặc thù.

Cơ bản các đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong việc thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển các địa phương.
Nuôi dưỡng nguồn thu và tạo ra động lực mới
 Quang cảnh Kỳ họp
Các đại biểu cũng cho rằng, chính sách đặc thù đã được áp dụng tại một số địa phương, do đó cần có rà soát, đánh giá, phân định cụ thể sự phát triển của các địa phương là do tác động của chính sách đặc thù hay dựa trên thế mạnh của địa phương; sau khi áp dụng chính sách đặc thù địa phương có phát triển như kỳ vọng hay không để đánh giá tính hiệu quả của cơ chế để điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp, không nên áp dụng dàn trải quá nhiều địa phương khi chưa có tổng kết, đánh giá.      

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) chỉ rõ, 6 nhóm chính sách cho từng địa phương Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế và 8 nhóm chính sách cho Thanh Hóa là những chính sách bảo đảm được tính đặc thù, được xây dựng dựa trên những đề xuất, phân tích, nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm nhu cầu, điều kiện của địa phương. Đây là cơ hội để địa phương đột phá, phát huy tiềm năng, lợi thế riêng, từ đó tạo sức lan tỏa, sức kéo trong khu vực.

Đối với ý kiến băn khoăn về việc 2 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An là 2 tỉnh Bắc Trung bộ được hưởng cơ chế đặc thù, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa phân tích, Nghệ An, Thanh Hóa là 2 tỉnh lớn; nếu tạo ra những động lực để 2 tỉnh này phát triển sẽ tác động lớn đến dân số, các điều kiện để phát triển vùng Bắc Trung bộ. Bên cạnh đó, Thanh Hóa là điểm kết nối 3 vùng Đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc, vùng Bắc Trung bộ. Nghệ An là tỉnh có trên 400km đường biên giới, phát triển khu vực biên giới Tây Bắc Nghệ An không chỉ phát triển một vùng rộng lớn mà còn bảo đảm an ninh quốc phòng, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

  Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

"Với ý nghĩa đó, việc chọn đề xuất các tỉnh, thành phố có cơ chế, chính sách đặc thù là hợp lý. Việc Quốc hội ban hành các Nghị quyết thí điểm này là đúng thẩm quyền, đủ pháp lý về chính trị, thực tiễn"- đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, những nội dung, nội hàm quy định về cơ chế tài chính và phân cấp quản lý trong một số trường hợp trên thực tế không làm ảnh hưởng đến nguồn tài chính quốc gia, không giảm thu ngân sách Trung ương, không làm tăng nợ công hay nguy cơ mất ổn định các cân đối vĩ mô. Về hành chính thì không làm giảm nguyên tắc quản lý thống nhất và tập trung từ Trung ương đến địa phương mà chỉ là tạo điều kiện để các địa phương thực hiện nhanh nhất, có trách nhiệm cao nhất các biện pháp quản lý trên địa bàn, từ đó thúc đẩy công việc nhanh chóng, đúng theo mục tiêu cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử mà cả hệ thống chúng ta đang triển khai.

 Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn TP Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận
“Với những cơ chế đặc thù như Dự thảo Nghị quyết thì chắc chắn sẽ khơi thông nguồn lực và tạo ra sự đột phá trong phát triển không chỉ với 4 địa phương nêu trên mà còn lan tỏa ra cả vùng, góp phần thúc đẩy nhanh hơn sự phát triển trên toàn quốc. Đây là bước nuôi dưỡng nguồn thu và tạo ra động lực mới” - đại biểu Nguyễn Thị Lan tin tưởng.
Chú trọng hài hòa phát triển các vùng miền
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) nêu quan điểm, điều quan trọng là chúng ta phải đặt cơ chế, chính sách trong tổng thể nền kinh tế mà không phải từng tỉnh riêng lẻ. Trong 16 địa phương có kết dư điều tiết ngân sách về Trung ương thì chỉ có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng được trao cơ chế, chính sách đặc thù. Trong khi nguồn lực quốc gia còn thiếu, câu chuyện đi tìm động lực tăng trưởng mang ý nghĩa sống còn trong thời gian qua, nhất là khi đất nước trải qua đợt dịch nặng nề. “Tại sao không trao cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương đã phát triển để dễ dàng có thêm dư địa tăng trưởng”- đại biểu Phạm Trọng Nhân nói.
Còn đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, cần quan tâm đến nhóm địa phương có quyết tâm chính trị cao, đã có nghị quyết về địa phương phấn đấu đến năm 2025 tự cân đối về ngân sách, đến năm 2030 có thể điều tiết ngân sách cho trung ương. Đây là những địa phương rất cần có những chính sách đặc thù giúp rút ngắn thời gian tự cân đối ngân sách hoặc điều tiết ngân sách về trung ương.
 Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình tại phiên thảo luận
Tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Đảng, Nhà nước luôn chú trọng hài hòa phát triển các vùng miền, việc tạo cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm để các tỉnh, thành phố nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh, có điều kiện bứt phá phát triển tạo động lực, cực tăng trưởng mới, lan tỏa thúc đẩy phát triển trong vùng và đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước. “Trong khi đó, hệ thống chính sách vẫn giữ nguyên chứ không có sự mất cân bằng”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiêu chí để lựa chọn các địa phương thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù gồm: Phù hợp với đường lối, phương hướng, nhiệm vụ phát triển địa phương và tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi; bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh, thành phố đã áp dụng; dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn, tạo tính bứt phá nhưng đề cao tính tự lực, tự cường vươn lên. Cơ chế, chính sách đặc thù tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với trách nhiệm, cơ chế kiểm tra, giám sát, phù hợp với năng lực thực tiễn của địa phương.