Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội đánh giá cao trách nhiệm của các trưởng ngành trong trả lời chất vấn

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Trong 2,5 ngày diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, kết quả thực hiện chính sách điều hành vĩ mô cho tới các vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh đều được các đại biểu Quốc hội đề cập, tranh luận sôi nổi, đầy trách nhiệm.

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV (Ảnh: Quochoi.vn)
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV (Ảnh: Quochoi.vn)

Điểm đặc biệt của phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp này là đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Vấn đề được chất vấn có phạm vi rất rộng, liên quan đến 21 lĩnh vực khác nhau, 10 Nghị quyết của Quốc hội, trên cơ sở sắp xếp thành 4 nhóm lĩnh vực theo sáng kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm: Kinh tế tổng hợp - vĩ mô; nhóm kinh tế ngành; nhóm lĩnh vực nội chính, tư pháp; nhóm lĩnh vực văn hóa, xã hội.

Các vấn đề nóng làm "nóng" nghị trường Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Theo đó, các đại biểu Quốc hội đã tập trung chất vấn về nguyên nhân chậm ban hành văn bản về quản lý tài sản công, giải pháp khắc phục; vấn đề lãng phí, tiêu cực trong quản lý tài sản công. Vấn đề điều hành mức tăng trưởng tín dụng, giải pháp xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; Nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân dự án nhà ở xã hội...

Đáng chú ý, khi chất vấn nhóm vấn đề kinh tế ngành, các đại biểu Quốc hội dành nhiều thời gian chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải về sự xuống chất của các tuyến cao tốc chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động; về tiến độ giải ngân các dự án BOT và giải pháp thu hút nguồn lực cho các dự án theo hình thức PPP.

Ở nhóm lĩnh vực nội chính, tư pháp, các đại biểu Quốc hội dành nhiều sự quan tâm đến tiến độ và chất lượng của xây dựng vị trí việc làm, tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy và đề nghị có giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ này, đáp ứng được yêu cầu về quản lý biên chế, nâng cao chất lượng bộ máy, thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Đại biểu Quốc hội chất vấn về vấn đề y tế
Đại biểu Quốc hội chất vấn về vấn đề y tế

Đặc biệt, tại phiên chất vấn về nhóm vấn đề văn hóa, xã hội, vấn đề làm "nóng" nghị trường là đại biểu băn khoăn khi khi chương trình giáo dục phổ thông mới quy định kết thúc chương trình THCS các em học sinh không thi mà chỉ xét tốt nghiệp, trong khi kết thúc THPT lại thi tốt nghiệp, mà mốc THCS rất quan trọng để phân luồng học sinh; Giải pháp khắc phục tình trạng đào tạo giáo viên theo phương thức địa phương đặt hàng đạt tỉ lệ còn thấp, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên dạy môn tích hợp. Đại biểu Quốc hội cũng đặt vấn đề tại sao xã hội hoá sách giáo khoa mà giá sách giáo khoa lại tăng? Bộ GD-ĐT nên biên soạn một bộ sách giáo khoa riêng để cùng cạnh tranh với các nhà xuất bản, các đơn vị sản xuất sách giáo khoa khác...

Đại biểu nêu vấn đề lạm dụng chỉ định xét nghiệm, nguồn lực dành cho việc triển khai khám chữa bệnh từ xa tại trạm y tế còn hạn chế, bệnh nhân có bảo hiểm y tế phải mua thuốc bên ngoài... và đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra giải pháp khắc phục thời gian tới.

Ở phần trả lời chất vấn, các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành đều nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản đã trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để khắc phục, trong đó có các giải pháp kèm lộ trình cụ thể.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn

Tiếp tục khắc phục kịp thời, hiệu quả những yếu kém

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã trực tiếp chấn vấn Thủ tướng Chính phủ về giải pháp thực hiện thành công việc phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực bộ máy và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; việc triển khai cải cách chính sách tiền lương và hoàn thiện các chính sách có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ... Đại biểu Quốc hội đề cập đến việc cải cách thể chế chưa có kết quả rõ nét và nêu vấn đề: Có ý kiến cho rằng, vẫn còn chưa rõ cải cách quan trọng nhất và trọng tâm nhất ở đây là gì? Bên cạnh đó, thủ tục hành chính thì vẫn còn rườm rà và sức ì của một bộ phận cán bộ, công chức vẫn là cản trở cho sự phát triển. Vì vậy, đại biểu chất vấn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nếu được xếp thứ tự ưu tiên ba vấn đề quan trọng nhất trong thời gian tới thì Thủ tướng sẽ chọn vấn đề gì và giải pháp gì để xử lý những tồn tại, hạn chế nêu trên?.

Đại biểu Quốc hội chất vấn Thủ tướng Chính phủ về giải pháp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Đại biểu Quốc hội chất vấn Thủ tướng Chính phủ về giải pháp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Trực tiếp trả lời chất vấn về giải pháp thực hiện phân cấp, phân quyền, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Công tác chỉ đạo, phân cấp phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát, kiểm tra, nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới, hoàn thiện thể chế, mạnh dạn thực hiện phân cấp, phân quyền, tránh né tránh, đùn đẩy.

Đối với vấn đề tiền lương, đây là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Vừa qua, do đại dịch Covid-19, nguồn lực có hạn, dẫn đến việc thực hiện cải cách tiền lương còn khó khăn. Chính phủ đã cố gắng trích lập lương, tăng thu giảm chi, tiết kiệm các khoản để có 560 nghìn tỷ chi cho cải cách tiền lương.

Song song với cải cách tiền lương trong khu vực nhà nước, chúng ta cũng thực hiện cải cách tiền lương khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp. Sắp tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh vị trí việc làm, tinh giản biên chế gắn với nâng cao hiệu lực hiệu quả của hệ thống chính trị, tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo nguồn chi lương cho người lao động.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn

Với câu hỏi của đại biểu Quốc hội về các đột phá chiến lược, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trong ba đột phá là thể chế, nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng, không chọn ưu tiên nào trong 3 đột phá này mà cần đảm bảo hài hòa, hợp lý phù hợp với hoàn cảnh cụ thể trong từng giai đoạn.

Qua điều hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, Quốc hội sẽ xem xét ban hành Nghị quyết về chất vấn vào cuối kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát và chất vấn, tập trung vào việc khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong từng lĩnh vực để đạt hiệu quả cao trong quản lý, điều hành.