Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội giám sát những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô

Theo TTXVN
Chia sẻ Zalo

Tiếp tục Chương trình làm việc Phiên họp thứ 23, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, sáng 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2019.

Bảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực được giám sát
Trình bày báo cáo về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2019, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tiêu chí để lựa chọn chuyên đề giám sát trong năm 2019 là những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế-xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật; không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất; bảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực; phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội.
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch Quốc hội tại phiên họp. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Từ 190 nội dung đề xuất của các cơ quan và 35 nhóm vấn đề trọng tâm; trên cơ sở các tiêu chí lựa chọn, ý kiến tham gia lựa chọn của đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tình hình thực tế, Tổng Thư ký Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, lựa chọn bốn trong sáu nội dung cụ thể để trình Quốc hội xem xét, lựa chọn hai chuyên đề giám sát tối cao trong năm 2019.
Các nội dung cụ thể gồm việc thực hiện chính sách, pháp luật về lập, quản lý, sử dụng các loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2009-2018, dự kiến giao Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội giúp chủ trì về nội dung; việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội gắn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi và khu vực biên giới giai đoạn 2009-2018, dự kiến giao Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chủ trì về nội dung; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và công tác quản lý quy hoạch, xây dựng công trình đô thị giai đoạn 2009-2018, dự kiến giao Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì về nội dung; việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống cháy, nổ giai đoạn 2009-2018 dự kiến giao Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì về nội dung; việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2009-2018 dự kiến giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chủ trì về nội dung; việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường nước giai đoạn 2009-2018, dự kiến giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chủ trì về nội dung.
Làm rõ phạm vi, nội dung của giám sát
Thảo luận về nội dung này, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trước tình trạng đào tạo chưa được liên thông, tình trạng giải quyết việc làm cũng chưa được giải quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị lựa chọn chuyên đề giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về lao động việc làm và đào tạo nghề.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị giám sát tối cao về lĩnh vực tư pháp. Ngoài ra, tình trạng cháy nổ diễn ra nhiều, liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân, mặc dù đã có quy định về phòng cháy, chữa cháy, nhưng cần xem xét việc xây dựng công trình, quản lý và vận hành công trình có thực hiện đúng chính sách pháp luật hay không. Do đó, giám sát nội dung việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống cháy, nổ giai đoạn 2009-2018 là cần thiết, giám sát phải có tính thời sự, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và công tác quản lý quy hoạch, xây dựng công trình đô thị giai đoạn 2009-2018, Chủ tịch Quốc hội đề nghị có thể thu hẹp lại chuyên đề này, nên xem xét về quy hoạch quản lý sử dụng đất đai đô thị để đảm bảo hiệu quả.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với Tờ trình do Tổng thư ký Quốc hội trình bày.
Về nội dung giám sát và lựa chọn chuyên đề giám sát của Quốc hội, trên cơ sở các tiêu chí đặt ra, các ý kiến góp ý làm rõ thêm về nội dung của các chuyên đề giám sát, làm rõ thêm phạm vi, nội dung của giám sát. Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm giám sát trong lĩnh vực tư pháp; lao động và việc làm, đào tạo, dạy nghề, tranh chấp lao động; việc thực hiện các hiệp định thương mại, Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA) và thu hút đầu tư trực tiếp; khoa học, công nghệ; đánh giá về bảo đảm bình đẳng trong thu hút đầu tư; quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật để bảo đảm cân đối giữa các lĩnh vực...
Về nội dung giám sát và lựa chọn chuyên đề giám sát, trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn nhiều ý kiến khác nhau. Để bảo đảm tính toàn diện, khách quan, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu tham dự phiên họp, Văn phòng Quốc hội nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý lại tên, nội dung các chuyên đề giám sát để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản.
Nội dung tập trung vào các vấn đề như phải bảo đảm hài hòa, cân đối giữa các lĩnh vực, thêm chuyên đề về lĩnh vực tư pháp; lựa chọn bốn trong sáu chuyên đề, trong đó chọn ra hai chuyên đề giám sát tối cao, hai chuyên đề do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát./.