“Quốc hội phải bám sát được hơi thở cuộc sống của dân”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Quốc hội hoạt động phải bám sát được hơi thở cuộc sống của dân”.

Ngày 9/3, trước khi bế mạc Phiên họp thứ 46, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII. Trong đó, việc rút ra những bài học kinh nghiệm trong 5 năm hoạt động của Quốc hội là vấn đề được quan tâm.

Đề xuất tăng đại biểu chuyên trách lên 40%

Các ý kiến của UBTV Quốc hội đều đánh giá, dự thảo Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII sau khi tiếp thu ý kiến từ các cuộc góp ý đã có nhiều đổi mới, thể hiện được rõ vai trò trong hoạt động lập pháp, giám sát. Trong đó nhấn mạnh, Quốc hội tiến hành hoạt động tái giám sát thường xuyên hơn, những lời hứa, các giải pháp đều được đưa ra trong phiên chất vấn…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Trải qua nhiệm kỳ 5 năm, Quốc hội Khóa XIII đã rút ra 8 bài học kinh nghiệm như nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới mạnh mẽ, dân chủ thực sự, công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động. Phát huy dân chủ, gắn bó chặt chẽ, mật thiết, có trách nhiệm với cử tri và Nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và phản ánh đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tới Quốc hội, giám sát chặt chẽ việc giải quyết kiến nghị của cử tri là nhân tố quan trọng bảo đảm cho Quốc hội bắt mạch được hơi thở cuộc sống có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, sát thực tiễn, hợp lòng dân. 

Dân chủ và gần dân là lựa chọn tốt nhất để đưa trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của Nhân dân đến với diễn đàn Quốc hội, kết tinh vào các quyết định quan trọng của Quốc hội trong hoạt động lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát tối cao. Chất lượng ĐB Quốc hội đóng vai trò quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, việc tăng số lượng ĐB chuyên trách so với các khoá trước đã góp phần quan trọng, thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội…

Từ những bài học này, Quốc hội Khóa XIII cũng kiến nghị Khóa XIV và các khóa tiếp theo tiếp tục tăng cường ĐB Quốc hội chuyên trách lên khoảng 40% tổng số ĐB Quốc hội để làm nòng cốt trong việc xây dựng luật, hoạt động giám sát và các hoạt động khác.

Nhấn mạnh báo cáo thể hiện khá đủ các ý lớn về thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhưng theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, khoá vừa qua, Quốc hội quyết định nhiều chính sách cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân; vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn nhưng chưa thấy thể hiện rõ trong báo cáo. “Đây là vấn đề rất quan trọng, vì không có những chính sách đó thì vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa còn khó khăn không biết đến bao giờ, không phát triển được. Do đó báo cáo cần thể hiện rõ nội dung này” - ông Ksor Phước đề nghị.

Nhân dân “nạp điện” cho Quốc hội

Nhấn mạnh đến việc ĐB Quốc hội nhiệm kỳ này đã để lại nhiều dấu ấn, trong khoá mới, nhiều ĐB tiếp tục tái cử, nhiều người khác muốn tự ứng cử, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề xuất: Phải nêu rõ hoạt động của ĐB đã thể hiện được điều gì? Làm rõ ĐB mang trong mình chức năng nhiệm vụ mà Nhân dân giao, hoạt động của ĐB thể hiện tinh thần mang trong mình sức mạnh, ý chí, nguyện vọng của Nhân dân đến với diễn đàn Quốc hội để chất vấn, ra các nghị quyết giải quyết vấn đề của dân, giám sát…

Chủ tịch Quốc hội lưu ý: Cần nhấn mạnh bài học rất sâu sắc về Nhân dân. Phải khẳng định là Nhân dân đồng tình, dân ủng hộ, dân đóng góp ý kiến, dân giám sát, nhờ đó nên Quốc hội chúng ta làm tốt, nhờ đó mới tạo ra sức mạnh của Quốc hội. Xây dựng pháp luật để phục vụ Nhân dân, giám sát để phục vụ nhân dân, tiếp xúc cử tri cũng là để lắng nghe dân, bám sát đời sống của dân chứ không phải để “oai phong”. 

Nghe dân phản ánh trong tiếp xúc trước và sau kỳ họp, rồi nghe dân phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng để hoàn thiện hoạt động của Quốc hội. “Từ Chủ tịch Quốc hội đến các ĐB, họ trước hết là cử tri, là người dân, sống trong dân, chứ không phải Quốc hội đứng trên dân, tạo dân chủ cho dân. 

Dân như điện, còn ĐB Quốc hội là ắc quy. Dân nạp điện thì ắc quy mới hoạt động được. Dân không nạp thì ắc quy mất điện không thể chạy được đâu” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ví von và nhấn mạnh thêm: “Quốc hội hoạt động phải bám sát được hơi thở cuộc sống của dân”.
Kỳ họp thứ 11 sẽ dành 12 ngày cho công tác nhân sự Nhà nước

Sáng 9/3, tại Phiên họp thứ 46, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIII. Theo dự kiến, Kỳ họp khai mạc vào ngày 21/3, kéo dài đến ngày 16/4. Cùng với việc xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015 và 5 năm 2011 - 2015 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; quyết định kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016 - 2020; các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ..., Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 luật như Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Dược (sửa đổi)… 

Liên quan Dự án Luật Biểu tình trước đây dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết tiếp tục để Chính phủ chuẩn bị kỹ nhằm đảm bảo sự thống nhất cao mới trình ra Quốc hội.

Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khoá XIII sẽ dành 12 ngày để xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần