Quốc hội phê chuẩn EVFTA: Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là cách nói ví von khi ngày 8/6/2020, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) mở ra một chương mới trong mối quan hệ đối tác sâu rộng giữa Việt Nam và EU, khối thương mại lớn nhất toàn cầu.

EVFTA được đánh giá là đòn bẩy quan trọng cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam khi giúp hàng hóa tăng sức cạnh tranh, xâm nhập sâu vào các thị trường khó tính. Cờ đã vào tay các DN, chỉ còn chờ họ sẽ phất như thế nào mà thôi.
Mở rộng thị trường, nâng giá trị xuất khẩu
Ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các FTA đã được ký kết.
 May hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Phạm Hùng
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: “EU là thị trường rất lớn với quy mô 18.000 tỷ USD nhưng hiện mới có hơn 40% sản phẩm ngành hàng của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan. Vì vậy, EVFTA sẽ là nền tảng giúp các DN Việt Nam có thêm giá trị gia tăng khi xuất khẩu vào thị trường này”.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Xét về tổng thể, EVFTA sẽ góp phần giúp đa dạng hóa thị trường của ta để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, từ đó giúp bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam.
Cùng đó, các cam kết sâu rộng về đầu tư của hiệp định sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam. Điều này sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam tăng trong thời gian tới.
Cơ hội lớn cho dệt may, da giày, nông sản
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, khi EVFTA được thực thi, các mặt hàng chủ lực như: Dệt may, da giày và nông sản của Việt Nam là những ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đánh giá, EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào EU giảm từ 14% về 0% là cơ hội lớn cho hàng nông sản của nước ta gia tăng kim ngạch tại thị trường này. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu về nông sản, thực phẩm tiếp tục gia tăng và Việt Nam là một nước kiểm soát được dịch bệnh rất tốt. Mặt khác, đây cũng là động lực để DN chú trọng tái cấu trúc thị trường, tái cấu trúc sản phẩm và tái cấu trúc về tổ chức sản xuất, kinh doanh.
Đối với ngành hàng dệt may, EU hiện là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất với quy mô nhập khẩu hàng năm hơn 250 tỷ USD, chiếm 34% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới. Trong khi đó, thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam sang thị trường này mới chỉ chiếm khoảng 2,7%. Điều này cho thấy, dư địa để ngành dệt may gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU sau khi EVFTA có hiệu lực là rất triển vọng.
Với ngành hàng da giày, Chủ tịch Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso) Nguyễn Đức Thuấn cho biết, khi EVFTA có hiệu lực, mức thuế 0% sẽ được áp dụng cho khoảng 50 loại sản phẩm giày dép sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu. Bên cạnh đó, sản phẩm giày, dép của Việt Nam còn được hưởng chênh lệch thuế từ 3,5 - 4,2% khi xuất khẩu vào EU, tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho mặt hàng này.
Nỗ lực từ chính doanh nghiệp
Việc thực thi EVFTA là một chiến lược dài hạn nhằm giúp DN Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất xuất khẩu và cạnh tranh. Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, thực tế hiện đã có một số DN xuất khẩu Việt Nam trong lĩnh vực dệt may, da giày, đồ nội thất, thủy sản có quy mô lớn và kinh doanh có bài bản có mặt tại thị trường EU.
Tuy nhiên, rất nhiều DN đang xuất khẩu vào EU là các DNNVV với nguồn lực hạn chế, quy trình sản xuất chưa đạt chuẩn EU, chưa khai thác hiệu quả tài sản sở hữu trí tuệ, thương hiệu... thiếu nhân lực có ngoại ngữ và kỹ năng đàm phán xúc tiến thương mại chuyên nghiệp, để thực hiện hoạt động xuất khẩu vào thị trường EU.
Vì vậy, trong thời gian tới, một trong những việc các DN Việt Nam cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU. Cùng với đó, các DN cần chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt bảo đảm quy tắc xuất xứ khi
xuất khẩu vào thị trường này.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, bên cạnh việc tích cực tìm hiểu thông tin về EVFTA để nắm vững các cam kết, quy định, DN cần chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào thị trường EU. Đồng thời, DN cần bảo đảm chất lượng hàng hóa, xây dựng và phát triển thương hiệu... mới có thể tạo nên sức cạnh tranh cho hàng Việt.

"Bộ Công Thương đang đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường nhằm hỗ trợ DN có tâm thế sẵn sàng tận dụng ngay các ưu đãi về thuế quan ngay khi EVFTA chính thức thực thi. Song song với đó, bộ cũng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu tại thị trường các nước thuộc EU." - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh


"Nhà nước cần xây dựng các chính sách hỗ trợ, chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, DN, đặc biệt là DNNVV phù hợp với cam kết quốc tế. Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính để giảm chi phí giao dịch cho DN, cắt giảm điều kiện kinh doanh… nhằm tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động đầu tư và kinh doanh của DN, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh." - TS Nguyễn Trí Hiếu